Đặc điểm các thành tạo magma xâm nhập của lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế

Các thành tạo xâm nhập lộ ra ở lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế có tuổi từ Paleozoi đến Kainozoi. Phức hệ Đại Lộc (γaD1đl) phân bố ở Bình Điền, thượng nguồn sông Tả Trạch và dọc theo đứt gãy Đakrông – A Lưới.

Một đoạn sông Hương

Phức hệ Đại Lộc gồm 2 pha xâm nhập với thành phần thạch học gồm: granit biotit dạng porphia, granit 2 mica, cấu tạo gneis. Đá của phức hệ xuyên cắt và gây sừng hóa các trầm tích hệ tầng A Vương, Long Đại.

Phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn (δγ-γPZ3bg – qs) phân bố thành từng khối có diện tích khoảng 200 km2 ở Bình Điền, Cù Mông và Rào Trăng (Phong Điền). Ngoài ra còn có các khối nhỏ phân bố rải rác trong khu vực. Phức hệ này có 3 pha xâm nhập và pha đá mạch với thành phần thạch học gồm: granodiorit, diorit thạch anh – horblend hạt nhỏ, vừa và granit biotit cùng các mạch granit aplit, diorit porphyr. Thành tạo này xuyên cắt và gây biến đổi trầm tích hệ tầng Long Đại, Co Bai.

Phức hệ Chà Vằn (vaT3cv) lộ ra từng khối nhỏ có diện tích khoảng 2 – 8 km2 ở Bạch Mã và Phú Lộc với thành phần gồm: piroxenit, gabropiroxenit, gabrodiorit hạt vừa đến lớn. Khối này xuyên cắt và gây sừng hóa trầm tích hệ tầng Tân Lâm, Long Đại.

Phức hệ Hải Vân (γaT3 hv) lộ ra dưới dạng batholit ở Bạch Mã, Hải Vân và thượng nguồn sông Tả Trạch và Hữu Trạch với diện tích gần 1000km2. Phức hệ có hai pha xâm nhập và pha đá mạch với thành phần gồm: melanogranit biotit, granit biotit, granit 2 mica dạng porphyr, ngoài ra còn có granit 2 mica sáng màu, hạt nhỏ – vừa, granit alaskit và các đá mạch granit aplit hạt nhỏ, pegmatit muscovit- turmalin. Các đá của phức hệ xuyên cắt và gây biến chất mạnh mẽ trầm tích hệ tầng Long Đại, làm các đá vây quanh bị sừng hóa.

Phức hệ Bà Nà (γPbn) chỉ thấy lộ ra trên mặt một khối có diện tích khoảng 20 kmở gần khu vực Phà Tuần (Ga Lôi). Phức hệ gồm 2 pha xâm nhập và pha đá mạch với thành phần chủ yếu là: granit biotit, granit 2 mica hạt lớn, granit 2 mica hạt vừa, granit alaskit hạt nhỏ và các mạch granit aplit có turmalin và granat. Các đá phức hệ Bà Nà xuyên cắt và gây sừng hóa hệ tầng A Vương. Các đai mạch chưa rõ tuổi gồm gabrodiabas bị biến đổi dưới dạng các thể nhỏ hoặc các mạch bám theo đứt gãy, gặp nhiều trong các hệ tầng A Vương, ngoài ra còn có đá mạch trung tính gặp trong trầm tích hệ tầng Long Đại.

Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email