Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế (gọi tắt là Cuộc thị) được tổ chức hàng năm là sân chơi trí tuệ, thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế tương lai.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức và thành lập Ban tổ chức Cuộc thi cấp tỉnh gồm: Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Sở Tài chính, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi các huyện, thị xã, thành phố.
Ban Tổ chức Cuộc thi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về Cuộc thi một cách sâu rộng. Thông tin về Cuộc thi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Bản tin Khoa học & Kỹ thuật, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế và website của các đơn vị tổ chức nhằm cung cấp đầy đủ thông tin đến tất cả các đối tượng tham gia Cuộc thi. Ban Tổ chức đã chủ động làm việc với UBND các huyện, thị xã, thành phố để vận động, hướng dẫn tổ chức Cuộc thi cấp huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời thường xuyên liên lạc, hỗ trợ và thông tin kịp thời tình hình tổ chức, triển khai Cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh.
Năm 2016, là năm thứ hai các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng và đồng chí do Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm trưởng ban tổ chức; 9/9 đơn vị tổ chức tuyên truyền vận động các em thanh thiếu, niên nhi đồng trên địa bàn tham gia, thành lập Hội đồng chấm thi và trao giải cấp huyện. Ban tổ chức Cuộc thi cấp huyện đã tuyển chọn các đề tài tham gia Cuộc thi cấp tỉnh.
Với những cố gắng trong công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IX, năm 2016 có 125 đề tài tham dự được tuyển chọn từ hàng trăm đề tài tại Cuộc thi cấp huyện thuộc 05 lĩnh vực gồm: Phần mềm tin học 11 đề tài; đồ dùng dành cho học tập 20 đề tài; sản phẩm thân thiện với môi trường 30 đề tài; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế 30 đề tài; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ ẹm 34 đề tài. Số lượng đề tài tham gia Cuộc thi năm nay có sự gia tăng mạnh mẽ từ 85 đề tài năm 2015 lên 125 đề tài năm 2016. Trong đó có 12 đề tài thuộc lứa tuổi tiểu học, 62 đề tài thuộc lứa tuổi trung học cơ sở, 50 đề tài thuộc lứa tuổi trung học phổ thông và 1 đề tài của sinh viên. Ban tổ chức thành lập các Hội đồng chấm thi chuyên ngành, trưng bày triển lãm các mô hình sản phẩm của các đề tài. Năm nay là năm đầu tiên tổ chức trung bày mô hình sản phẩm và tác giả được thuyết trình trước Hội đồng chấm thi. Qua đó, công tác đánh giá các đề tài chính xác hơn, các em được trình bày ý tưởng của mình và được Hội đồng chấm thi tư vấn, bổ sung những phần còn hạn chế cho các tác giả hoàn thiện đề tài hơn.
Từ kết quả chấm và đề xuất của Hội đồng chấm thi, Ban tổ chức đã tuyển chọn và trao giải cho 43 đề tài bao gồm: 05 giải Nhất, 09 giải Nhì, 09 giải Ba, 20 giải Khuyến khích. Ban tổ chức đã tuyển chọn 25 đề tài tham dự Cuộc thi toàn quốc lần thứ 12, năm 2016 và đạt 06 giải gồm: 01 giải Đặc biệt, 02 giải Nhất 01 giải Ba và 02 giải Khuyến khích.
Cuộc thi năm nay đã có tiến bộ vượt bậc so với năm 2015. Đạt được những kết quả này là nhờ vào các đơn vị đã quan tâm đầu tư cho Cuộc thi như: Thành phố Huê, thị xã Hưởng Thủy, huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, huyện Nam Đông; trường THPT chuyên Quốc Học .… Sự thành công của Cuộc thi góp phần thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
Văn Chung