Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ II (2008-2009): Khơi dậy niềm yêu thích sáng tạo

Dù mới được tổ chức lần thứ II, nhưng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2008-2009 đã thu hút sự tham gia tích cực của các em học sinh trong tỉnh với chất lượng sản phẩm dự thi cao hơn hẳn so với năm trước. Điều đáng mừng nữa là nhiều sản phẩm, mô hình dự thi của các em đã thể hiện tư duy sáng tạo mới, thiết thực với đời sống và đặc biệt là việc học tập, giải trí của các em.

Một trong những đề tài thuộc lĩnh vực phần mềm tin học – lĩnh vực có số lượng đề tài dự thi nhiều nhất – được Hội đồng chấm thi đánh giá cao nhất trong số tất cả các sản phẩm dự thi lần này là: Phần mềm Tin học “Chemistry Handbook – Hỗ trợ học tập môn Hoá học Trung học phổ thông” của em Nguyễn Đoàn Nguyên An, học sinh trường PTTH Hai Bà Trưng. Nhận thấy hóa học là một môn quan trọng đối với bất cứ học sinh nào có nguyện vọng thi khối A và B, Nguyên An đã nảy ra ý tưởng sáng tạo phần mềm Chemistry Handbook để giúp các bạn phần nào trong học tập môn học này. Được thiết kế khá bắt mắt với nội dung phong phú gồm các mục: Tài liệu kiến thức hóa học (Library); Hình ảnh về hóa học (Gallery), Clip thí nghiệm (video clip), trắc nghiệm khách quan (ABCTest) cho phép chọn bộ câu hỏi đã định trước hoặc sử dụng thư viện câu hỏi ngẫu nhiên với hơn 1.000 câu hỏi để làm. Người sử dụng phần mềm cũng có thể kiểm tra bài làm hoặc xem đáp án một cách dễ dàng. Ngoài ra, các công cụ học tập ở mục Tools sẽ cung cấp Bảng tuần hoàn, Bảng tính tan, Dãy điện hóa kim loại, Hiđrocabon và dẫn xuất, mối liên hệ,…hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng trong quá trình làm bài và ôn lại kiến thức.

Trong lĩnh vực phần mềm tin học, một số đề tài khác cũng rất hữu ích đối với lứa tuổi học sinh như: phần mềm học sinh học “Biology Learning” của Phan Cảnh Trình và Mai Chí Cường, lớp 11C5 trường PTTH Quốc Học. Phần mềm Imag Windows của Nguyễn Sỹ Hiền, lớp 11A1, trường PTTH Nguyễn Huệ xuất phát từ ý tưởng tạo ra một window dành cho người Việt Nam sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Sử dụng Imag Windows, các em nhỏ sẽ dễ dàng làm quen máy tính mà các bậc phụ huynh không phải lo lắng về việc ảnh hưởng đến dữ liệu cũng như hoạt động của window XP đang sử dụng,…Hay như phần mềm “Thiết kế website 10A2{M}-Box” của tác giả Hoàng Nam, lớp 10A2, trường PTTH Đặng Huy Trứ. Đây là phần mềm Nam thiết kế â€œnhằm đáp ứng nhu cầu nghe nhạc trực tuyến rất phổ biến ở thế hệ 9x, và để dành cho những ai đam mê âm nhạc, bởi ở đó, bạn có thể nghe những bản nhạc sâu lắng, tha thiết gợi nhớ về quê hương, gia đình, nghe những câu vọng cổ du dương để thả hồn vào giấc ngủ của những lời ca ngọt ngào hay những ca khúc bốc lửa, những vũ điệu cuồng nhiệt giúp bạn giảm stress sau những giây phút bận rộn của cuộc sống. Đáng chú ý là website này còn được tích hợp nhiều tính năng thật đặc biệt sẽ làm bạn cảm thấy thú vị khi truy cập nó”, Nam bật mí.

Ấn tượng nhất trong lĩnh vực dụng cụ sinh hoạt gia đình là sản phẩm “Máy mát-xa chân” của Nguyễn Đắc Phước, lớp 11A5 trường PTTH Nguyễn Huệ. Phước cho biết: “Em đã làm chiếc máy mát-xa đơn giản mà rất hiệu quả này để hỗ trợ cho những người bị nhức mỏi do lao động vất vả, chơi thể thao hay những người bị bệnh về xương khớp”. Cấu tạo khá đơn giản gồm hai phần: máy chính và máy phụ. Máy chính dài 30cm, rộng 20 cm, vỏ máy được đóng bằng gỗ thành hình hộp chữ nhật, bên trái là hộp điều khiển máy, giá đỡ máy phụ và bộ sạc điện. Bên trong chứa bộ rung do mô tơ tạo ra và pin sạc. Ở máy phụ, vỏ máy được làm tận dụng từ vỏ đồng hồ để bàn đã hỏng, bộ rung, dây dẫn nối với máy chính. Máy có thể mát-xa mọi vùng bị đau của cơ thể, đặc biệt là bàn chân – nơi tập trung nhiều huyệt đạo – đồng thời xoa bóp nhẹ nhàng lên các vùng huyệt ở bàn tay hoặc bàn chân nhằm mang lại cảm giác thư giãn, kích thích quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể, tăng cường sinh lực và cải thiện chức năng miễn dịch, giúp cơ thẻ khỏe mạnh, trí óc minh mẫn. Ưu điểm của loại máy này là dễ sử dụng và có thể hoạt động bằng bộ sạc điện hay pin lúc mất điện hay khi ra ngoài mà giá thành chỉ không quá 100.000 đồng. “Em tin rằng nếu sản phẩm được cải tiến, gia công đẹp hơn thì mọi người, kể cả người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được sản phẩm hữu ích này”, Phước nói.

Ở lĩnh vực có ít sản phẩm dự thi – lĩnh vực đồ dùng dành cho học tập – đáng chú ý là mô hình “Kính viễn vọng khúc xạ” của Nguyễn Đình Minh Khánh, trường PTTH Phú Bài. Để làm “Kính viễn vọng khúc xạ” chỉ tốn có 40-50 ngàn đồng này (thay vì đi mua loại kính này ở nước ngoài với giá lên đến vài triệu đồng), Khánh đã tận dụng các đồ hư hỏng ở nhà, nơi bán phế liệu, một số kính lúp gãy cóng và mua một ống nước, ống nối, vật kính, thị kính, băng keo đen, rồi lắp ráp từng bộ phận lại để được một sản phẩm kính hoàn chỉnh. Với cách chế tạo tương đối đơn giản đó, các bạn học sinh có thể làm cho mình một chiếc kính thiên văn cỡ nhỏ để quan sát bầu trời đêm, quan sát bề mặt bên ngoài của mặt trăng và những tia sáng của các ngôi sao,…

Đồ chơi trẻ em là lĩnh vực thu hút khá đông các em tham gia với nhiều sản phẩm ngộ nghĩnh và đáng yêu. Hai trong số các sản phẩm cần kể đến là: â€œÔ tô tự động” của Hồ Hữu Anh Quân, lớp 2A và “Chiếc ca nô” của Nguyễn Phúc Hiếu, học lớp 3A, trường tiểu học Tây Hiền, Phong Hiền, Phong Điền. Từ ý tưởng làm một chiếc xe vận tải tự động, đồ chơi trẻ em mà đặc biệt là các bạn nam yêu thích, Quân đã dùng vỏ hộp thuốc tây để làm thùng xe và đầu xe. Phần máy tận dụng từ một chiếc xe đồ chơi điện tử bị hỏng, phần bánh xe là những linh kiện của đầu đĩa video và dây điện nhỏ. Quân lắp vào máy 2 viên phin tiểu và chỉ cần ấn nút tự động là xe có thể chạy được. Nói về mô hình “chiếc ca nô”, Hiếu bảo: “Cháu muốn giúp các chú công an truy bắt tội phạm và cứu đồng bào khi bị lũ lụt nên chế tạo chiếc ca nô này”. Từ một miếng xốp và một tấm mút, Hiếu cắt thành hình chiếc ca nô, rồi tận dụng các linh kiện điện tử đã bị hỏng và một viên pin để làm bộ phận máy, ruột bút và một miếng thép mỏng làm nên bánh lái. Ca nô của Hiếu còn được trang trí một lá cờ Tổ quốc và một rô-bốt điều khiển trông rất chuyên nghiệp.

Dẫu không đoạt giải nhưng sản phẩm “Bộ bàn ghế gỗ” xinh xinh (được làm từ những miếng gỗ vụn nhặt được ở xưởng mộc) của thành viên nhỏ tuổi nhất cuộc thi – em Lê Nhật Hào, lớp 1A trường tiểu học Tây Hiền, Phong Hiền, Phong Điền đã để lại ấn tượng cho Ban tổ chức vì sự nhiệt tình và nỗ lực đáng khen của em.

Rút kinh nghiệm từ cuộc thi tổ chức lần thứ nhất, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần II đã lên kế hoạch và triển khai nghiêm túc các công việc cần thiết như tổ chức lễ phát động tại các trường, tuyên truyền, vận động về cuộc thi trên các cơ quan truyền thông đại chúng, trường học,…Nhờ vậy cuộc thi năm nay đã thu hút số lượng đề tài tham gia dự thi phong phú hơn hẳn năm ngoái cả về số lượng lẫn chất lượng. Dẫu vẫn còn một số hạn chế như nhiều sản phẩm vẫn chưa có sự đầu tư nhiều, sản phẩm còn đơn giản chưa có tính mới và tính sáng tạo cao và vẫn còn sản phẩm mô phỏng các thiết bị đồ dùng trong đời sống…, nhưng có thể nói, cuộc thi lần này đã thành công và tạo một sân chơi thực sự bổ ích, khơi dậy niềm yêu thích sáng tạo khoa học kỹ thuật của các em học sinh.

Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần II năm 2008-2009 do Liên hiệp hội, Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học Công nghệ Thừa Thiên Huế tổ chức. Qua 8 tháng phát động đã có 240 sản phẩm, mô hình của các thí sinh gửi đến các đơn vị, cơ sở. Sau bước sơ tuyển tại các đơn vị, đã có được 25 mô hình sản phẩm thuộc các lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, đồ chơi trẻ em, dụng cụ sinh hoạt gia đình được các cơ sở, đơn vị tuyển chọn gửi lên Ban tổ chức. Từ 25 sản phẩm, mô hình này, Hội đồng chấm thi đã đã chọn được 8 sản phẩm, mô hình dự thi để trao giải, gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã chọn 5 sản phẩm để tham dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Kết quả, Phần mềm Tin học “Chemistry Handbook – Hỗ trợ học tập môn Hoá học Trung học phổ thông” của em Nguyễn Đoàn Nguyên An, học sinh Trường PTTH Hai Bà Trưng đã đạt giải Nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ V năm 2008 – 2009.

Ngọc Hà

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email