COP28: THOẢ THUẬN LỊCH SỬ VỀ NHIÊN LIỆU HOÁ THẠCH

Tác giả: Thuỷ Tiên dịch và tổng hợp

Hội nghị các Bên tham gia (COP) Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu quốc tế, được tổ chức hàng năm trừ khi các thành viên tham gia (các quốc gia liên quan) có quyết định khác. Tại COP, các nhà lãnh đạo thế giới tập hợp lại để cùng nhau tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Hiện nay đã có 198 thành viên bao gồm 197 quốc gia và vùng lãnh thổ cộng với Liên minh Châu Âu tham gia Công ước, tạo thành sự hội nhập gần như toàn cầu. Như vậy, cho đến nay, các thỏa thuận từ hội nghị COP sẽ mang tính toàn cầu và định hướng cho các hoạt động liên quan đến giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Năm nay, chủ nhà của Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28, hay còn gọi là Hội nghị các Bên (COP28) là UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). COP28 UAE diễn ra từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12 năm 2023 tại Expo City, Dubai thuộc UAE.

Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc là hội nghị được tổ chức hàng năm trong khuôn khổ UNFCCC, đóng vai trò là cuộc họp chính thức của các bên UNFCCC (Hội nghị các Bên tham gia, COP) để đàm phán và thống nhất hành động về cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hạn chế khí thải và ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc là cơ quan ra quyết định cao nhất thế giới về các vấn đề khí hậu và là một trong những cuộc họp quốc tế lớn nhất trên thế giới.

COP28 UAE mang lại cơ hội quan trọng để cộng đồng quốc tế cùng nhau định hình lại hướng đi đúng đắn và thúc đẩy tiến độ nhằm giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1.5°C – đạt được các mục tiêu và hoài bão của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. COP28 UAE cũng là thời điểm quyết định để thế giới đoàn kết và thực hiện các biện pháp thực tế và hành động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu đó thì cần phải có sự hợp tác giữa các bên liên quan trong xã hội dân sự, chính phủ, ngành công nghiệp và các lĩnh vực khác nhau.

Sự kiện bao gồm hai khu vực:

  1. Blue Zone (Khu vực Xanh lam) là địa điểm do UNFCCC quản lý, dành cho các bên được công nhận (các nhà đàm phán quốc gia) và các đại biểu quan sát (NGOs – Tổ chức Phi chính phủ, IGOs – Tổ chức Quốc tế Chính phủ, Cơ quan Liên Hợp Quốc), giới truyền thông và các nhà lãnh đạo thế giới. Blue Zone tổ chức các cuộc đàm phán chính thức trong suốt hai tuần diễn ra hội nghị và hàng trăm sự kiện bên lề chính thức, bao gồm các cuộc thảo luận nhóm, sự kiện diễn thuyết và sự kiện văn hóa.
  2. Green Zone (Khu vực Xanh lục) là khu vực do Chủ tịch COP28 UAE quản lý và cung cấp. Được thiết kế dành cho các đại biểu không có chứng chỉ chính thức từ COP28 UAE để tăng cơ hội cho nhiều đối tượng, bao gồm các nhóm thanh niên, xã hội dân sự, tư nhân và các nhóm bản địa để họ có thể tham gia và góp phần vào cuộc đối thoại và nhận thức nhằm đạt được hành động chống biến đổi khí hậu.

Chủ tịch COP28 UAE tin rằng các chính phủ và khu vực tư nhân phải hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thông qua Green Zone, Chủ tịch COP28 UAE mang đến cho tư nhân cơ hội để trình bày những đóng góp và giải pháp của họ đối với thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu. Cách tiếp cận đổi mới, công nghệ hành động vì khí hậu và tinh thần doanh nghiệp của họ sẽ là một phần quan trọng của COP28 UAE. Green Zone cũng sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo và hoạt động về các khía cạnh kỹ thuật, công nghệ để tập trung vào các giải pháp hiện tại và tương lai nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Xung quanh mỗi hội nghị COP, có một lượng lớn các sự kiện ngoài lề được tổ chức bởi cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác không có không gian chính thức trong 2 Khu vực nêu trên, hoặc họ quyết định tổ chức trong không gian của mình. Các sự kiện này không phải là các sự kiện chính thức và không trực tiếp liên quan đến COP.

Sultan al-Jaber, Giám đốc điều hành của Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Nguồn: CNN.

Các quốc gia trên thế giới đã đồng thuận “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch”

Lần đầu tiên, các quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đồng thuận chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch – nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Điều này được xem là một bước tiến quan trọng vì đây là lần đầu tiên trong 28 năm đàm phán khí hậu quốc tế mà một thỏa thuận như vậy đã được chấp thuận.

Gần 200 quốc gia do Liên Hợp Quốc triệu tập đã thông qua một kế hoạch quan trọng nhằm tăng cường năng lượng tái tạo và chuyển đổi khỏi than, dầu và khí đốt. Thỏa thuận có tầm ảnh hưởng lớn này được đưa ra trong năm nóng nhất lịch sử và đã được chấp thuận vào thứ Tư sau hai tuần tranh luận gay gắt tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Dubai. Các nhà lãnh đạo châu Âu và nhiều quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thảm họa do khí hậu gây ra đang thúc đẩy kêu gọi “loại bỏ hoàn toàn” nhiên liệu hóa thạch, nhưng lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà xuất khẩu dầu lớn như Ả Rập Saudi và Iraq, cũng như các nước đang phát triển nhanh như Ấn Độ và Nigeria.

Cuối cùng, các nhà đàm phán đã đi đến một thỏa thuận: Thỏa thuận mới kêu gọi các nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu khỏi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ này một cách “công bằng, có trật tự và bình đẳng” và ngừng hoàn toàn việc thải khí carbon dioxide vào khí quyển vào giữa thế kỷ này. Thỏa thuận cũng kêu gọi các quốc gia tăng gấp ba lần lượng năng lượng tái tạo, như điện gió và năng lượng mặt trời, được lắp đặt trên khắp thế giới vào năm 2030, và cắt giảm lượng khí thải mêtan, một loại khí nhà kính mạnh hơn carbon dioxide trong thời gian ngắn.

Trong khi các thỏa thuận về khí hậu trước đây của Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước giảm lượng khí thải, họ lại tránh đề cập rõ ràng đến từ “nhiên liệu hóa thạch”, mặc dù việc đốt dầu, khí đốt và than đá là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Wopke Hoekstra, ủy viên châu Âu về hành động khí hậu cho biết: “Nhân loại cuối cùng đã làm được điều mà lẽ ra đã phải làm từ lâu, rất lâu rồi”. “Ba mươi năm – 30 năm! – chúng ta đã dành thời gian để bắt đầu thời kỳ kết thúc của nhiên liệu hóa thạch.”

Dù thỏa thuận mới này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và không thể buộc bất kỳ quốc gia nào phải hành động một cách cụ thể, nhưng nhiều chính trị gia, nhà môi trường và lãnh đạo doanh nghiệp tập trung tại Dubai hy vọng rằng nó sẽ gửi một thông điệp đến nhà đầu tư và người làm chính sách rằng sự chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch là không thể ngăn cản. Trong hai năm tiếp theo, mỗi quốc gia được kỳ vọng sẽ trình một kế hoạch chi tiết và chính thức về cách họ dự định giảm lượng khí nhà kính đến năm 2035. Thỏa thuận hôm thứ Tư nhằm hướng dẫn các kế hoạch đó.

Bộ trưởng Môi trường Colombia, Susana Muhamad, cho biết “Đây không phải là một quá trình chuyển đổi diễn ra từ một ngày sang ngày khác”. “Toàn bộ nền kinh tế và xã hội đều phụ thuộc vào nhiên liện hóa thạch. Tài nguyên vốn từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ không biến mất chỉ vì chúng ta đã đưa ra quyết định ở đây.” Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận vẫn gửi một thông điệp chính trị mạnh mẽ về hướng đi của việc chuyển đổi này.

Các nhà khoa học nói rằng các quốc gia sẽ cần phải cắt giảm lượng khí thải nhà kính khoảng 43% trong thập kỷ này nếu họ hy vọng hạn chế tổng mức nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, hay 2,7 độ F, so với mức thời tiền công nghiệp. Ngoài mức đó, các nhà khoa học cho biết, con người có thể phải vật lộn để thích nghi với nước biển dâng, cháy rừng, bão cực đoan và hạn hán. Tuy nhiên, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong năm nay, các quốc gia hiện đang trên đà giảm phát thải khoảng dưới 10% trong thập kỷ này và thế giới đã nóng lên hơn 1,2 độ C. Nhiều nhà khoa học cho rằng hiện nay rất khó để giữ cho sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1.5 độ, nhưng các quốc gia vẫn nên cố gắng hết sức để giữ cho nhiệt độ tăng ít nhất có thể.

“Tất cả chúng ta phải làm việc cùng nhau”

Hội nghị các bên lần thứ 28 (COP28) của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng khép lại với bài học quan trọng: Tất cả chúng ta cần phải hành động nhiều hơn nữa để giảm thiểu biến đổi khí hậu thành công và đạt được các mục tiêu bền vững. Nhiều mục tiêu và hướng tiếp cận đã được đề cập và thảo luận trong khuôn khổ của Hội nghị COP28, nhưng nhu cầu hợp tác chính này đã được thể hiện xuyên suốt.

Hợp tác cùng nhau là cách duy nhất để tiến về phía trước nhằm tối đa hóa tính bền vững và đạt được các mục tiêu. Tổng thư ký LHQ António Guterres đã tóm tắt như sau: “Trong một thế giới đổ vỡ và chia rẽ, COP28 cho thấy rằng chủ nghĩa đa phương vẫn là hy vọng tốt nhất của chúng ta để giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Sự hợp tác này có thể có nghĩa là:

  • Hành động như một cộng đồng toàn cầu hướng tới các hoạt động thân thiện với môi trường để để đảm bảo lợi ích chung cho tất cả mọi người.
  • Ký kết các thỏa thuận với các tổ chức và cơ quan có cùng chí hướng nhằm thể hiện cam kết đối với các biện pháp thực hành bền vững tốt nhất.
  • Yêu cầu tính yếu tố bền vững trong các hoạt động mua sắm và chuỗi cung ứng.
  • Chỉ hợp tác với những đối tác quan tâm đến bền vững và những đối tác này phải làm tăng giá trị cho các chương trình của bạn, thay vì làm giảm giá trị của chúng.
  • Chia sẻ kiến thức với các tổ chức hỗ trợ và các đồng nghiệp khác để đảm bảo rằng tất cả đều được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện những thay đổi thân thiện với môi trường.
  • Ưu tiên sử dụng nhân viên và nhân sự hỗ trợ trực tiếp có khả năng đưa tổ chức đến mục tiêu cụ thể gần hơn.
  • Chỉ khi tất cả chúng ta cùng nhau hợp tác thì mới có thể giải quyết được một vấn đề lớn và phức tạp như biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại sự kiện này, trong số những vấn đề được thảo luận, có những vấn đề sau:

  • Việc loại bỏ hoàn toàn – không chỉ là loại bỏ dần dần – các nhiên liệu hóa thạch như dầu và khí đốt phải chấm dứt nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của mình. Hơn 190 chính phủ đã thông qua một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm chuyển đổi hoàn toàn khỏi nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050.
  • Việc sử dụng rộng rãi các công nghệ bền vững là cần thiết – và sự đổi mới này tạo ra cơ hội cho những đổi mới cần thiết để cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ các sáng kiến xanh. Năng lượng hạt nhân đã được thảo luận như một lựa chọn khả thi để hạn chế khí thải và hơn 120 quốc gia đã tuyên bố tăng gấp ba công suất sản xuất năng lượng tái tạo vào năm 2030.
  • Nhiều tổ chức và chính phủ, cũng như toàn thế giới, hiện không đi đúng hướng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu đã đặt ra trước đó, bao gồm cả Thỏa thuận Paris.
  • Mọi mức độ nóng lên của khí hậu đều quan trọng – tất cả chúng ta đều có trách nhiệm ngăn chặn (hoặc đảo ngược) biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu đó, các doanh nghiệp và chính phủ cần giảm thiểu tác động của mình lên hành tinh, đặc biệt là vì nó liên quan đến hệ thống thực phẩm và quản lý sức khỏe cộng đồng.
  • Các bên cam kết mạnh mẽ đang thực hiện đầu tư lớn vào bền vững và tăng trưởng kinh tế. Cuối cùng, khi bền vững tiếp tục là ưu tiên dài hạn, các bên phải có sự cam kết về việc chi tiêu tài chính đáng kể để đạt được các mục tiêu này.

COP28 cũng thành lập “Quỹ Tổn thất và Thiệt hại” được sử dụng để giảm thiểu tác hại cho hành tinh do biến đổi khí hậu gây ra. Đây là một bước đi đúng hướng nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ, nhiều nước đang phát triển không đóng góp cho quỹ này và có nhiều ý kiến trái chiều về cách sử dụng quỹ này một cách hợp lý.

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng cần phải hành động nhiều hơn nữa để mang lại công lý về khí hậu cho những quốc gia ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng. “Nhiều quốc gia dễ bị tổn thương đang chìm trong nợ nần và có nguy cơ chìm trong nước biển dâng. Đã đến lúc phải tăng cường tài chính, bao gồm cả việc thích ứng, tổn thất và thiệt hại cũng như cải cách cấu trúc tài chính quốc tế.” Ông nói rằng thế giới không thể chấp nhận “sự chậm trễ, thiếu quyết đoán hoặc các biện pháp nửa vời” và nhấn mạnh rằng “chủ nghĩa đa phương vẫn là niềm hy vọng tốt nhất của nhân loại”. “Điều cần thiết là phải cùng nhau tìm ra các giải pháp khí hậu thực tế, thiết thực và có ý nghĩa phù hợp với quy mô của cuộc khủng hoảng khí hậu.”

Nhìn chung, Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28, một Hội nghị các Bên (COP) lớn nhất trong lịch sử đã được tổ chức thành công tại UAE. Hội nghị đã đạt được những thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện rõ sự quyết tâm chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh cấp thiết, đặc biệt là khi năm 2023 được ghi nhận là năm nóng nhất lịch sử, thì cần phải có những hành động quyết liệt và đột phá, cũng như sự chung tay của các quốc gia, gắn kết toàn cầu để giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, thay vì chỉ là những bước tiến nhỏ và chậm rãi.

Nguồn:

  1. https://www.nytimes.com/2023/12/13/climate/cop28-climate-agreement
  2. https://www.carbonbrief.org/cop28-key-outcomes-agreed-at-the-un-climate-talks-in-dubai/
  3. https://www.triumvirate.com/blog/cop28-conclusions-we-all-must-work-together
  4. https://news.un.org/en/story/2023/12/1144742
Facebook
Twitter
LinkedIn
Email