Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thừa Thiên Huế (Liên hiệp hội) có 40 hội thành viên, 11 tổ chức trực thuộc gồm 08 trung tâm hoạt động theo luật KHCN, 02 Câu lạc bộ và 01 nhóm đánh gia tác động môi trường xã hội (SEIA). Cơ quan thường trực của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế gồm Văn phòng, Ban Tư vấn, Phản biện và Giám định xã hội, Ban Thông tin và Phổ biến kiển thức. Tổng biên chế được UBND tỉnh phê duyệt là 15 người, hiện nay có 10 người.
Thông tin phổ biến kiến thức khoa học công nghệ là một nhiệm vụ chủ yếu, quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật. Thực hiên tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần khẳng định và nâng cao vai trò, vị trí của Liên hiệp hội trong xã hội. Do vậy, trong những năm qua, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã có nhiều cố gắng, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện nhiệm vụ này, bước đầu mang lại những thành tựu quan trọng. Sau đây là một số kênh thông tin mà Liên hiệp hội đã thực hiện:
Truyền thông và phổ biến kiến thức qua các Trang thông tin điện tử tổng hợp: Đây là kênh thông tin nhanh nhạy và hiệu quả. Hiện nay, hệ thống Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế có 28 website như www.husta.org, www.corenarm.org.vn, www.csrd.vn, www.sorcode.org, …. với số lượng truy cập lên đến hàng triệu lượt/năm. Trang tin điện tử tổng hợp của Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế thường xuyên được nâng cấp, cải tiến hình thức và nội dung, không ngừng nâng cao chất lượng thông tin, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống. Ngoài việc phản ánh những hoạt động của Liên hiệp hội, những vấn đề thời sự, chính trị, xã hội của địa phương, Website có nhiều chuyên mục được bạn đọc quan tâm, đặc biệt là chuyên mục Hỏi – đáp khoa học công nghệ. Thông qua chuyên mục này, các nhà khoa học đã trả lời rất nhiều vấn đề khoa học kỹ thuật liên quan đến sản xuất và đời sống của bạn đọc, nhất là nông dân, học sinh, sinh viên. Bình quân mỗi tháng, trang husta.org trả lời 20 câu hỏi của bạn đọc. Số bạn đọc của trang thông tin điện tử của Liên hiệp hội không ngừng tăng lên, đến nay đã có hơn 2.000.000 lượt truy cập.
Truyền thông và phổ biến kiến thức thông qua Tạp chí, Bản tin Khoa học Kỹ thuật và các ấn phẩm truyền thông: Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế có 01 tạp chí, 24 bản tin và tập san, ngày càng được cải tiến về nội dung và hình thức, tăng số lượng phát hành. Kênh thông tin này phản ánh các hoạt động của Liên hiệp hội, các hội thành viên và các đơn vị trực thuộc, giới thiệu các sự kiện nổi bật của tỉnh nhà, kết quả nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, các thông tin khoa học, công nghệ mới, giống cây, giống con mới, các mô hình sản xuất mới, các vấn đề chăm sóc và bảo vệ sức khỏe…. Đây cũng là diễn đàn của đội ngũ trí thức Thừa Thiên Huế. Riêng tạp chí Huế Xưa và Nay, Bản tin Khoa học và Kỹ thuật ra định kì 02 tháng/số và phát hành đến tận bưu điện văn hóa xã, phòng đọc sách hoặc thư viện thôn. Qua đó, giúp bà con nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Bản tin Khoa học và Kỹ thuật còn được gởi đến 63 Liên hiệp hội trên cả nước.
Truyền thông và phổ biến kiến thức thông qua các Câu lạc bộ: Liên hiệp hội phối hợp với Câu lạc bộ Phú Xuân, Câu lạc bộ sinh viên, Câu lạc bộ Trí thức trẻ và Câu lạc bộ nông dân, phụ nữ, tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ, tình yêu, tình bạn, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội… với hàng chục nghìn lượt học sinh, sinh viên, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi tham dự. Năm 2014, Liên hiệp hội ký thỏa thuận với Hội Nông dân tỉnh thực hiện chương trình phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân. Thông qua chương trình này, nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật và mô hình sản xuất tốt đã được các chuyên gia của Liên hiệp hội phổ biến đến người nông dân, đáp ứng nhu cầu bức thiết của họ. Do vậy, nông dân đã hưởng ứng một cách tích cực.
Năm 2012, 2013, 2014 được sự tài trợ của tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA) và Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, Paraff, Liên hiệp hội Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức truyền thông về Biến đổi khí hậu, đặc biệt là chiến dịch truyền thông “Túi nilon hiểm họa của môi trường và sức khỏe”. Mỗi đợt chiến dịch kéo dài trong 03 tháng với nhiều hoạt động thiết thực như hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền lưu động, phát hành hàng nghìn tờ rơi, poster, làm sạch môi trường, triển lãm các hoạt động sáng tạo, hội thi …Hoạt động này đã thu hút hàng ngàn người tham gia và đã tạo ra những tác động chuyển biến nhận thức trong nhân dân về các vấn đề liên quan.
Truyền thông và phổ biến kiến thức qua tập huấn, hội thảo: Tập huấn, hội thảo là kênh thông tin phổ biến kiến thức rất hiệu quả. Bình quân trong một năm hệ thống Liên hiệp hội tổ chức 150 lớp tập huấn, 50 hội thảo khoa học về các nội dung như: Kỹ thuật sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nâng cao nghiệp vụ các chuyên ngành, tư vấn, phản biện các đề tài dự án, các qui hoạch, kế hoạch…thu hút hơn 5.000 lượt người tham dự.
Ngoài ra, Liên hiệp hội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Báo Thừa Thiên Huế thực hiện các chuyên mục phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật như: Chuyên mục Cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sức khỏe sinh sản Vị thành niên, Thanh niên, khoa học và cuộc sống…
Để hoạt động phổ biến kiến thức của Liên hiệp hội tốt hơn, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Kiện toàn Ban thông tin và phổ biến kiến thức: Ban này phải có ít nhất là 03 người, trong đó 01 trưởng ban có chuyên môn và kinh nghiệm trên lĩnh vực truyền thông, 02 cán bộ phụ trách công tác truyền thông, phổ biến kiến thức có chuyên môn, nghiệp vụ về truyền thông. Ngoài số cán bộ biên chế, Ban này cần có lực lượng cộng tác viên thường xuyên và đội ngũ chuyên gia về khoa học kỹ thuật. Các tổ chức xã hội thuộc Liên hiệp hội phải có cán bộ truyền thông được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.
Xây dựng chiến lược truyền thông: Cần xây dựng chiến lược truyền thông cho từng thời kỳ, mỗi giai đoạn tập trung cho một chủ đề nào đó vừa phù hợp với tôn chỉ mục đích của tổ chức vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội. Để làm tốt vấn đề này, đòi hỏi các tổ chức phải nhạy cảm, bắt mạch được các yêu cầu của cuộc sống. Trong chiến lược truyền thông, các tổ chức xã hội cần lưu ý giành một phần thích đáng cho nội dung truyền thông về tổ chức của mình.
Đa dạng hóa các kênh thông tin:
Truyền thông qua các trang tin điện tử tổng hợp và các mạng xã hội: Đây là kênh thông tin nhanh, rộng, hiệu quả. Để thực hiện tốt kênh thông tin này, các trang TTĐT phải thực sự có sức thu hút, nội dung phong phú, hình thức hấp dẫn, nhanh nhạy, luôn cập nhật thông tin và tổ chức các hoạt động giao lưu, đối thoại với độc giả.
Truyền thông qua tạp chí, báo, bản tin và các ấn phẩm truyền thông khác: Để kênh thông tin này có hiệu quả, phải không ngừng nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức, cố gắng bám sát thực tiễn, xác định rõ ràng đối tượng đích của ấn phẩm để bắt mạch và đáp ứng nhu cầu của họ. Phát hành rộng rãi đến thư viện huyện, phòng đọc sách và thư viện thôn.
Truyền thông phổ biến kiến thức qua các Câu lạc bộ: Để kênh thông tin này được thực hiện một cách chủ động, thường xuyên, các tổ chức xã hội nên tổ chức ký kết phối hợp hoạt động thông tin phổ biến kiến thức với một đoàn thể hoặc một địa phương nào đó. Thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu để xây dựng nội dung các chuyên đề sát thực tiễn. Định kỳ 06 tháng, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá chương trình phối hợp để rút kinh nghiệm.
Truyền thông qua truyền hình, phát thanh: Đây là kênh có số lượng người xem nhiều nhất, vì vậy, các tổ chức xã hội cần thường xuyên chủ động phối hợp với các đài truyền hình thực hiện các chuyên đề, chuyên mục truyền thông. Trong 3 năm qua. Cơ quan Liên hiệp hội đã thực hiện 32 chuyên đề, chuyên mục trên các đài phát thanh, truyền hình, báo Thừa Thiên Huế, chưa tính các phóng sự truyền hình, các buổi truyền hình trực tiếp các sự kiện.
Theo kết quả khảo sát từ dự án Nghiên cứu truyền thông BĐKH của BBC Media action: Truyền thông đại chúng là các kênh thông tin mà người dân ưa thích: TV: 99%; Phát thanh: 41%; Báo/tạp chí: 35%; Internet: Đôthị 46%, nông thôn 14%.
Tuy nhiên, hạn chế của truyền thông đại chúng là đối tượng truyền thông không được xác định hoặc quá rộng. Do đó, không đáp ứng được nhu cầu sát thực của từng nhóm khán giả. Mặt khác, hiện nay có quá nhiều kênh TV, người dân thì quan tâm nhiều hơn đến thời sự và các chương trình giải trí. Đây chính là một thách thức của công tác truyền thông.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Các tổ chức xã hội phải chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án để tranh thủ nguồn lực cho hoạt động truyền thông từ các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế đẻ huy động thêm nguồn lực phục vụ cho chiến lược truyền thông của đơn vị.
Tăng cường lãnh đạo công tác truyền thông: Thông tin là vấn đề luôn nhạy cảm. Do vậy, yếu tố lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn đặt lên hàng đầu. Ngoài việc đảm bảo các điếu kiện như kinh phí, con người, phải có sự quan tâm thực sự của lãnh đạo Liên hiệp hội và các tổ chức xã hội. Vai trò của lãnh đạo Liên hiệp hội và các tổ chức xã hội thể hiện ở chỗ tăng cường tìm kiếm thêm nguồn lực cho hoạt động, phân công cán bộ phụ trách, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động, điều phối hoạt động thông tin truyền thông trong toàn hệ thống Liên hiệp hội…
Truyền thông là nhiệm vụ quan trọng và nhạy cảm của Liên hiệp hội và các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta thực hiện nhiệm vụ này trong hoàn cảnh bộ máy tổ chức, nhân lực của Liên hiệp hội và các tổ chức xã hội chưa hoàn thiện, các điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Do vậy, sự nỗ lực không ngừng, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ để tìm ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi địa phương là yếu tố quyết định sự thành công.
ThS. TRẦN GIẢI
Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội
Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế