Các kiểu địa hình khu vực Nam Đông, Thừa Thiên Huế

Căn cứ vào đặc điểm hình thái, nguồn gốc và tuổi của địa hình khu vực huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 nhóm kiểu địa hình và gồm 9 kiểu địa hình.

Căn cứ vào đặc điểm hình thái, nguồn gốc và tuổi của địa hình khu vực huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế có 3 nhóm kiểu địa hình và gồm 9 kiểu địa hình như sau (Hình 1):

    1. Địa hình tích tụ nguồn gốc sông

Bãi bồi ven lòng hiện đại

Các bãi bồi ven lòng hiện đại phân bố dọc dòng chảy sông Thượng Nhật và sông Thượng Lộ, tạo thành các bãi cao hơn mực nước sông 0,5 – 1,0 mét; hình dạng có thể bị thay đổi vào mùa mưa lũ. Thành phần trầm tích chủ yếu là cuội tảng, sạn sỏi thô, cát hạt thô đặc trưng cho tướng lòng sông miền núi.

Bề mặt bãi bồi thấp, tuổi Holocen muộn (aQ22-3)

Bề mặt bãi bồi thấp, tuổi Holocen muộn tạo thành các dải chạy dọc hai bên bờ hệ thống sông suối trong vùng nghiên cứu, cao 2 – 4 mét, rộng từ vài chục mét đến 500 – 600 mét. Khu vực các bãi bồi phát triển rộng nhất, tập trung ở xã Hương Sơn và thị trấn Khe Tre (Hình 2). Thành phần cấu tạo nên bãi bồi là cát hạt trung đến thô, cuội sạn sỏi hỗn tạp, độ chọn lọc kém (Hình 3).

Hình 1. Sơ đồ địa mạo khu vực Nam Đông.

      Bề mặt thềm bậc I nguồn gốc sông, tuổi Holocen sớm  giữa (aQ21-2)

Dạng địa hình này phân bố chủ yếu ở thị trấn Khe Tre, xã Hương Lộc (nằm dọc theo sông Tả Trạch) và một phần ở xã Hương Sơn. Khu vực này có độ cao tuyệt đối 50 – 60 mét, độ cao trung bình so với lòng sông khoảng 15 – 20 mét, trên bề mặt thềm người dân thường trồng lúa và các loại hoa màu. Thềm được cấu tạo từ trầm tích cát, cát bột lẫn cuội sạn sỏi thô. Thường có cấu tạo 2 lớp: lớp 1 là cuội sạn sỏi, hạt thô không đều, thành phần hỗn tạp, nằm phủ trên lớp vật liệu trầm tích hạt mịn hơn bên dưới; lớp 2 là lớp cát bột lẫn ít sét màu vàng sẫm, màu vàng, nâu phủ lên lớp 1.

               

Hình 2. Bãi bồi ven lòng hiện đại.

                                

Hình 3. Bề mặt bãi bồi thấp, tuổi Holocen muộn (aQ22-3).

      Bề mặt tích tụ nguồn gốc sông, sông lũ (aQ, apQ)

      Dạng địa hình này tập trung chủ yếu ở xã Hương Hòa và một phần nhỏ tại xã Hương Sơn, trùng với khu vực có độ cao tuyệt đối 50 – 60 mét (một bộ phận nhỏ có độ cao tuyệt đối 70 – 80 mét). Đây là dạng địa hình trũng phân bố ở giữa các đồi núi thấp với thành phần trầm tích chủ yếu là bột, sét, cát mịn được vận chuyển, tích tụ bởi các dòng chảy tạm thời trong mùa mưa lũ. Tại đây người dân thường trồng lúa và hoa màu.

      2. Địa hình tích tụ – bào mòn dạng pediment

      Các địa hình tích tụ – bào mòn dạng pediment tạo thành các dãi đất hẹp dọc chân các sườn đồi, núi thấp (độ cao tuyệt đối từ 50 – 60 mét có chỗ cao 60 – 70 mét). Các dải đất này có bề rộng trung bình 50 – 60 mét, nhưng cũng có nơi rộng 300 – 500 mét (Hương Sơn); phân bố dọc sông Thượng Lộ từ Hương Lộc tới Khe Tre; dọc sông Tả Trạch, nhiều nhất ở xã Hương Sơn và một dải nhỏ ở xã Hương Giang. Thành phần trầm tích chủ yếu là tàn sườn tích (eQ, edQ) gồm cát, bột lẫn dăm, sạn, sỏi màu vàng nhạt, xám vàng, độ chọn lọc kém.

      3. Địa hình đồi – núi bóc mòn

      Vùng núi thấp

      Vùng núi thấp có độ cao 250 – 880 mét, độ dốc 30 – 400, tập trung chủ yếu ở phía Đông Bắc thị trấn Khe Tre, xã Hương Lộc và phía Tây xã Hương Giang, Hương Sơn. Núi có hình thái dạng vòm, đỉnh đẳng thước hoặc kéo dài ngăn cách bởi đồi yên ngựa hoặc các thung lũng, sông suối nhỏ. Độ chia cắt sâu khoảng 50 – 300 mét. Thành phần thạch học chủ yếu là granit phức hệ Hải Vân (Ga/T3hv) và đá trầm tích lục nguyên hệ tầng Long Đại (O3-S12), một vài nơi có các chỏm nhỏ cấu tạo từ Devon (D1tl1) hoặc granodiorit phức hệ Bến Giằng – Quế Sơn (Di-GDi-GP2-T1qs).

      Vùng đồi cao

      Vùng đồi cao có độ cao 120 – 250 mét, độ dốc từ 15 – 250, tập trung nhiều nhất ở phía Đông thị trấn Khe Tre, xã Hương Lộc và phía Tây xã Hương Sơn, Hương Giang. Khu vực này có sườn dốc khoảng 300, bị chia cắt mạnh. Thành phần thạch học chủ yếu là đá trầm tích lục nguyên hệ tầng Long Đại (O3-S12), một vài nơi có các chỏm nhỏ cấu tạo từ garnit phức hệ Hải Vân (Ga/T3hv) hoặc gabro phức hệ Chà Vằn (Gb/aT3cv).

      Vùng đồi trung bình

      Vùng đồi trung bình có độ cao 80 – 120 mét, độ dốc dưới 250, phân bố đều ở các xã và thị trấn trong vùng nghiên cứu. Thành phần được cấu tạo từ trầm tích lục nguyên hoặc đá granit phong hóa mạnh.

      Vùng đồi thấp

      Vùng đồi thấp có độ cao 70 – 80 mét tập trung nhiều nhất ở xã Hương Hòa, còn lại phân bố rải rác ở các xã khác và thị trấn Khe Tre. Đồi dạng bát úp, đỉnh bằng, sườn thoải, địa hình bị chia cắt không đáng kể, độ dốc từ 5 – 150 được cấu tạo từ các sản phẩm phong hóa đá trầm tích lục nguyên. Khu vực này còn nhiều diện tích đất trống đồi trọc, bề mặt bị xói mòn mạnh trơ sỏi đá hoặc bị laterit hóa.

BÙI THẮNG

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email