Các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững ở Thừa Thiên Huế

Tiềm năng đá xây dựng ở Thừa Thiên Huế là rất lớn. Tuy nhiên, để sử dụng hợp lý tài nguyên, cần nâng cao hiệu quả khai thác, giảm thiểu tối đa những tổn thất khai thác và chế biến khoáng sản. Trong sử dụng cần nghiên cứu mở rộng lĩnh vực sử dụng, cập nhật thông tin nhu cầu khoáng sản trên thị trường quốc tế và trong nước.

Để nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản cần chú ý một số giải pháp sau:

Trong một số mỏ khai thác nên kết hợp sản xuất nhiều loại sản phẩm thích ứng với thị trường tiêu thụ. Mỏ đá ốp lát nên kết hợp sản xuất đá dăm, đá lôca, đá chẻ với đá khối và đất san lấp sử dụng làm đất cấp phối rải đường, nền móng nhà cửa, đô thị… Các mỏ đá xây dựng thông thường kết hợp sản xuất đá dăm các loại với đất san lấp.

Nâng cấp công nghệ khai thác giảm thiểu tối đa tổn thất khoáng sản và tác động đến môi trường. Các mỏ đá xây dựng thông thường phải tuân thủ quy trình đồng bộ công nghệ khai thác: từ khâu khoan nổ mìn đến xúc bốc vận tải, khâu nghiền sàng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Trong khoan nổ nên dùng phương pháp nổ khoan lớn và thuốc nhũ tương kết hợp nổ vi sai để nâng cao hiệu quả khai thác, giảm khoảng cách đá văng xa, giảm độ tổn thất, tăng tỷ lệ dập vỡ đất đá, giảm tỷ lệ quá cỡ, đảm bảo an toàn trong khai thác, đồng thời giảm cường độ làm việc của máy nghiền sàng và cuối cùng là hạ giá thành sản phẩm. Đá ốp lát nên đầu tư nghiên cứu áp dụng phương pháp khoan kết hợp dây nổ để tăng khối lượng đá hữu dụng trong tách đá.

Tiềm năng đá ốp lát ở Thừa Thiên Huế là rất lớn, nhất là các thành tạo magma xâm nhập, đá granit phức hệ Hải Vân. Với nguồn tài nguyên này kết hợp với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây, Thừa Thiên Huế đủ điều kiện xây dựng nhà máy sản xuất đá ốp lát quy mô lớn tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới.

Do tốc độ phát triển kinh tế ngày càng tăng thêm, nhu cầu đá xây dựng thông thường và đá ốp lát ngày càng lớn. Chính vì vậy số lượng mỏ và sản lượng khai thác cũng tăng không ngừng. Quá trình phát triển ồ ạt công nghiệp khai thác đá gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và quỹ tài nguyên. Do đó vấn đề cấp thiết đặt ra là công tác nguyên cứu đánh giá tác động môi trường và bảo vệ tài nguyên không tái tạo trong quá trình khai thác mỏ, nhất là các mỏ đá xây dựng.

Trong điều kiện hiện nay, để giảm thiểu những tác động môi trường trong quá trình khai thác và chế biến đá xây dựng, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Tổ chức khai thác theo quy hoạch phân lô, không khai thác tràn lan, đất đá thải phải được thu gom và đổ đúng vị trí quy định, nên sử dụng bãi thải trong, đồng thời tiến hành hoàn thổ và trồng lại cây xanh ở những nơi đã khai thác.

Khu vực dễ bị sạt lở cần thi công tường chắn để hạn chế dòng vật liệu đất đá vụn bị nước mưa cuốn trôi gây ách tắc dòng chảy và bồi lấp địa hình thấp. Nên sử dụng công nghệ khoan ướt để làm giảm lượng bụi do khoan nổ mìn phát sinh.

Tại các trạm nghiền, sàng cần có các biện pháp chống bụi và hạn chế tiếng ồn. Nên xây dựng hệ thống phun sương cao áp để làm giảm các bụi lơ lửng trong không khí và hạn chế khả năng lan truyền của bụi ra xung quanh. Cần trang bị đầy đủ cho công nhân các dụng cụ phòng hộ bảo đảm an toàn khi làm việc để tránh các bệnh nghề nghiệp thường mắc phải. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và chế độ bồi dưỡng độc hại cho công nhân.

 

Bùi Thắng

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email