Nguồn tin từ Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, ngày 30.11.2012, tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc PVN đang làm nhiệm vụ trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị thì bị các tàu cá của Trung Quốc quấy rối, làm đứt cáp thu nổ địa chấn.
Giá trị thiệt hại về tài sản của con tàu đang được PVN đánh giá, song hành động gây hấn này của phía Trung Quốc thì ngay từ bây giờ có thể khẳng định là rất nghiêm trọng. Trung Quốc luôn tìm mọi cách để gây cản trở những hoạt động hợp pháp của cơ quan chuyên môn lẫn ngư dân Việt Nam trên chính vùng biển của chúng ta.
Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, ngày 26.5.2011, cũng tàu Bình Minh 02 đang làm nhiệm vụ khảo sát địa chấn tại khu vực thềm lục địa miền Trung Việt Nam, chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên 116 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng bị phía Trung Quốc quấy rối làm đứt cáp. Chính phủ Việt Nam đã cực lực phản đối hành động gây hấn của phía Trung Quốc, những tưởng các trò “khiêu khích” tương tự đã được chấm dứt thì mới đây, trò gây hấn ấy lại tiếp tục tái diễn.
Lần này, không phải là tàu hải giám mà là tàu cá của ngư dân Trung Quốc. Mức độ gây hấn cũng như thiệt hại có thể khác nhau nhưng tình tiết phá hoại thì rất đáng được chú ý: ngư dân Trung Quốc là thủ phạm. Hành động này có thể xuất phát từ sự ích kỷ nhỏ nhen của những ngư dân đã bị chính nhà cầm quyền Bắc Kinh tiêm nhiễm. Cũng có thể những ngư dân này đã thực hiện chỉ đạo của nhà chức trách hoặc có thể đây là tàu chức năng giả dạng tàu cá.
Khả năng thứ hai được đặt ra với một sự cân nhắc nghiêm túc, chứ không hề là một lời cáo buộc võ đoán, bởi trong thời gian gần đây, các đội tàu cá Trung Quốc đã được sử dụng một cách có hệ thống trong công cuộc bành trướng biển khơi, từ biển Hoa Đông cho tới biển Đông.
Trong lịch sử, vào thập niên 1950, tàu quân sự giả dạng tàu cá của Trung Quốc cũng đã tiến chiếm các đảo Phú Lâm, Lin Côn thuộc Hoàng Sa và chiêu trò này còn lặp lại vào năm 1974, khi họ dùng tàu cá đổ quân lên một số đảo ở cụm đảo phía tây, trước khi nổ súng cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ quần đảo của Việt Nam.
Từ lâu, ngư dân Việt Nam luôn thể hiện thiện chí chung sống hòa bình với ngư dân Trung Quốc khi đánh bắt hải sản trên biển Đông. Thậm chí, có những trường hợp, ngư dân đảo Lý Sơn đã cứu vớt ngư dân Trung Quốc khi họ bị nạn trên biển. Những lúc ấy, ngư dân của chúng ta đã phải sẻ chia những gói mì tôm và những giọt nước ngọt cuối cùng cho những người đồng nghiệp chẳng may gặp nạn mà chẳng hề tính toán thiệt hơn. Thế nhưng, bây giờ sự thể đã khác. Liên tục trong nhiều năm qua, sự bất an của ngư dân Việt Nam luôn thường trực mỗi khi họ ra khơi, không phải do bão dữ mà là do “nhân tai” từ chính những người ta từng cưu mang họ. Ai đã biến những đồng nghiệp từng là “bạn” của chúng ta trên biển thành những kẻ trở mặt? Câu trả lời không khó khi “đường lưỡi bò” không chỉ “liếm” trên những tấm bản đồ được in trong sách giáo khoa cho trẻ con Trung Quốc ê a hằng ngày mà còn “liếm” cả trên những tấm hộ chiếu của những công dân Trung Quốc gần đây.
Tàu Bình Minh 02 của PVN một lần nữa bị phủ bóng đêm, lần này là từ những chiếc tàu cá của Trung Quốc.
Theo Thanh niên