Cho đến nay, các căn cứ quân sự của Ukraina ở bán đảo Crimea đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Nga. Trên 50 tàu chiến của Ukraina đóng trong quân cảng Sevastopol, kể cả chiếc tàu ngầm duy nhất, đều đã treo cờ Nga. Trong số các đơn vị được Hải quân Nga tiếp quản, có một đơn vị rất đặc biệt, đó là Biệt đội Cá heo hải quân. Theo Hãng tin RIA Novosti, việc tiếp quản đơn vị Biệt đội Cá heo diễn ra khá trơn tru, vì đàn cá heo đặc nhiệm đã được huấn luyện và “tình nguyện” ngả về phía quân đội Nga.
Các tư liệu cũ ghi nhận, Biệt đội Cá heo Ukraina vốn dĩ là đơn vị đặc nhiệm cá heo duy nhất của quân đội Liên Xô, được hình thành và bắt đầu huấn luyện, chiến đấu từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, chỉ ít lâu sau khi Mỹ thành lập đơn vị biệt kích cá heo đầu tiên.
Chương trình huấn luyện cá heo của Liên Xô được giữ bí mật, một phần là để tránh bị tình báo đối phương do thám, mặt khác cũng là để bảo đảm hoạt động huấn luyện được duy trì ổn định, ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin về kỹ thuật huấn luyện ra bên ngoài. Biệt đội cá heo được chính thức huấn luyện ở thành phố Sevastopol (Crimea, Ukraina bấy giờ thuộc Liên bang Xôviết).
Theo các tài liệu lưu trữ đã hết hạn bảo mật, lực lượng động vật biển của Liên Xô (ngoài cá heo còn có hải cẩu, sư tử biển, cá voi Beluga) được huấn luyện để đảm nhiệm một số công việc tình báo dưới nước mà việc sử dụng con người tỏ ra tốn kém và hiệu quả không cao. Các nhiệm vụ được huấn luyện bao gồm dò tìm bom mìn thất lạc dưới nước, xác định vật lạ dưới nước và đánh dấu bằng dây neo phao.
Ngày nay, việc xác định vị trí vật lạ dưới nước của cá heo không còn cần dùng dây neo phao nữa mà đã được các chuyên gia Nga đảm bảo bằng một thiết bị điện tử có thể tiếp nhận và phân tích sóng siêu âm đặc thù của cá heo, thể hiện lên màn hình máy vi tính để theo dõi.
Ngoài ra, trong tình huống chiến tranh khẩn cấp, khi có nhu cầu sử dụng lực lượng đánh bom ngầm dưới nước để phá hủy hạm đội, tàu chiến của đối phương, mà việc sử dụng người nhái tỏ ra nguy hiểm và kém hiệu quả, thì cá heo sẽ là các “cảm tử quân” mang bom được kích nổ sẵn bơi với tốc độ cao lao vào tấn công tàu chiến, hạm đội của đối phương. Do ưu điểm cá heo là loài động vật dưới biển, có tốc độ di chuyển cực nhanh và thường ít bị các phương tiện dò tìm của đối phương chú ý nên rất dễ dàng thực hiện nhiệm vụ tấn công kamikaze kiểu này.Ngoài các nhiệm vụ trên, cá heo còn một nhiệm vụ quan trọng nữa là “bắt giữ” đặc nhiệm người nhái của đối phương mang lên khỏi mặt nước để xử lý, hoặc trong tình huống nguy hiểm, cận chiến có thể thủ tiêu luôn dưới nước. Để thực hiện nhiệm vụ sát thương này, cá heo được lắp vũ khí là dao găm hoặc dao sắc trên chiếc vây lưng hoặc ở mõm. Một số trường hợp cá heo còn được trang bị súng bắn dưới nước được gắn chặt vào mõm để tấn công mục tiêu khi bị đe dọa.
Tuy nhiên, việc sử dụng cá heo cho chiến thuật kamikaze rất hạn chế, và thực tế Liên Xô và Mỹ cũng chưa từng sử dụng bao giờ, vì đây là chiến thuật tiêu hao lực lượng “cảm tử quân” rất nhiều, gây khó khăn cho công tác huấn luyện, duy trì lực lượng cá heo.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraina tiếp nhận đội quân cá heo này và huấn luyện chúng phục vụ các mục tiêu dân sự như giúp trẻ khuyết tật phục hồi chức năng vận động.
Mục đích quân sự được tái thiết lập vào năm 2011. Tuy nhiên, do sử dụng mô hình, thiết bị huấn luyện đã lỗi thời và sau khi Hải quân Ukraina cắt giảm ngân sách, một số chương trình nâng cao phải thu hẹp rồi xóa sổ hoàn toàn. Trong suốt hơn 20 năm qua, các chuyên gia huấn luyện cá heo ở Sevastopol đã sử dụng công nghệ chuyển đổi sóng siêu âm có thể thấy rõ trên màn hình hệ thống điều khiển khi cá heo phát ra tiếng kêu.
Một nhân viên huấn luyện giấu tên cho biết: “Các nhân viên kỹ thuật thiết kế bể cá đang phát triển thiết bị mới dành cho các ứng dụng mới để đẩy mạnh hiệu quả hoạt động dưới nước của cá heo. Hiện đội quân cá heo được trang bị thiết bị cực kỳ lạc hậu. Vì vậy, mặc dù cá heo thể hiện “trí thông minh đặc biệt,” nhưng đôi khi chúng không tuân lệnh chỉ huy Ukraina.
Vì cá heo cũng chỉ là một loài động vật có vú, cho nên đôi khi cũng xảy ra những “sự cố” rất là tự nhiên. Chẳng hạn như một sự cố xảy ra hồi tháng 12-2013, với việc 3 “chiến sĩ” cá heo đực “đào ngũ” bơi ra biển khơi để… theo cái. Vụ việc được báo chí Nga đưa tin.Tờ RIA Novosti (Nga) tin rằng, khi tiếp nhận biệt đội đặc biệt này, Hải quân Nga sẽ hỗ trợ chương trình huấn luyện dành cho mục đích quân sự bao gồm cả huấn luyện sư tử biển. Thực tế, vào tháng trước, Ukraina tuyên bố sẽ ngưng huấn luyện hải quân với cá heo và hải cẩu, “đội quân động vật có vú” dưới nước bị “thất nghiệp” .
Yuri Plyachenko, một cựu chỉ huy huấn luyện cá heo thời Xôviết bật cười khi kể rằng những chuyện “đào ngũ” kiểu này vẫn hay xảy ra dưới thời Xôviết. Ông này giải thích, khi một con cá heo đực phát hiện “đối tượng” là một con cá heo cái ngoài thiên nhiên trong mùa giao phối, nó sẽ tự động bơi theo con cá heo cái đó để bắt cặp và giao phối. Và thường thì sau khi hưởng “tuần trăng mật” xong thì khoảng 2 – 3 ngày sau là chúng quay trở về.
Trong lịch sử quân sự thế giới chỉ có 2 quốc gia là Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) duy trì đơn vị đặc nhiệm cá heo. Ngoài cá heo, Mỹ và Liên Xô còn huấn luyện hải cẩu, sư tử biển. Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự tin rằng sang thế kỷ XXI, trên thế giới không chỉ có Nga, Mỹ sở hữu cá heo hải quân mà cho rằng các loài động vật tinh nhuệ này đã được xuất khẩu cho Iran.
Một nhân chứng quan trọng là ông Boris Zhurid, người từng tham gia chương trình huấn luyện cá heo ở căn cứ Sevastopol (Crimea) cho biết, đơn vị của ông (khi đó thuộc Ukraina quản lý) đã bán 27 “chiến sĩ” gồm cá heo, hải cẩu, sư tử biển và cá voi Beluga cho Iran vào năm 2000, lý do là vì quân đội Ukraina không có đủ nguồn kinh phí để nuôi dưỡng, huấn luyện chúng, thức ăn và thuốc men đều không được cung cấp đủ.
Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa thể xác định được Iran có còn duy trì biệt đội động vật biển được chuyển giao như ông Zhurid vừa nói hay không, vì người ta không tin việc duy trì một đơn vị đặc nhiệm động vật là việc khả thi đối với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Theo CAND.COM
ĐINH VĂN CHUNG