“Bạc mặt” vì bệnh bạc lá

Nắm bắt được bạc lá lúa là điểm yếu ở vụ mùa, hàng loạt công ty giống cây trồng (GCT) và thuốc bảo vệ thực vật “tung” ra thị trường các giống lúa “kháng bạc lá” và thuốc phòng trừ. Tuy nhiên, qua số liệu của Cục Bảo vệ thực vật cho thấy, vụ mùa 2012 tại miền Bắc vẫn có hàng chục nghìn héc ta lúa nhiễm bạc lá.

 

GIỐNG NÀO CŨNG KHÁNG?

Ông Trần Xuân Định, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thái Bình chia sẻ, bạc lá lúa với giới làm nông nghiệp như căn bệnh ung thư. Nguyên nhân, do một loại vi khuẩn có tên khoa học là Xanthomonas Oryzea gây nên, hiện chưa có loại thuốc đặc hữu phòng trừ, cơ bản vẫn phải dùng các loại kháng sinh nhưng hiệu quả rất thấp. Do đó, để phòng tránh bệnh bạc lá với các địa phương hiện nay vẫn là thay đổi cơ cấu bằng các giống chống chịu bạc lá cộng tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ và áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI.

Trong quá khứ, ngành nông nghiệp Thái Bình từng nhiều năm bị bệnh bạc lá tấn công dữ dội, điển hình là năm 2005 khi địa phương này đưa giống lúa lai dòng Bác ưu về trồng, song chủ quan bê nguyên cả quy trình canh tác, chăm sóc khiến hàng nghìn héc ta lúa Bác ưu nhiễm bạc lá nặng. Những năm gần đây, nhờ quan tâm tuân thủ đẩy lịch thời vụ sớm hơn cộng việc cân đối đưa các giống lúa mới vào SX thay thế một phần diện tích lúa Bắc thơm 7 nên bệnh bạc lá lúa tại Thái Bình giảm đáng kể. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2012 tại Thái Bình vẫn có khoảng 1.000 ha lúa bị bạc lá.

Chính vì là căn bệnh “nan y” nên giữa các doanh nghiệp kinh doanh GCT đang có một cuộc chạy đua về giống lúa kháng bạc lá. Chỉ cần lướt qua thông tin quảng cáo các giống lúa thuần, lúa lai của các DN SX-KD lớn, nhỏ tại Việt Nam đều cho thấy một điểm chung, đó là khả năng “kháng bạc lá” luôn được doanh nghiệp nhấn mạnh đến mức tối đa. Đầu tiên, phải kể đến công ty CP GCT Trung ương (NSC) sở hữu giống lúa thơm RVT, hứa hẹn sẽ là giống lý tưởng thay thế Bắc thơm 7. Tính “kháng bạc lá” của giống thơm RVT được NSC đặc biệt nhấn mạnh và luôn dành vị trí trang trọng nhất trên mọi tấm catalo, tờ rơi quảng cáo.

Ngay khi NSC tung sản phẩm giống lúa thơm RVT kháng bạc lá khiến giới làm nông nghiệp không khỏi chú ý, một doanh nghiệp kinh doanh giống nữa, là công ty CP TCty GCT Thái Bình (TSC) lập tức trình làng sê ri giống lúa thuần kháng bạc lá như TBR-1, TBR-27 và TBR-36. Việc cho ra đời các giống lúa thuần kháng bạc lá, TSC hy vọng sẽ khỏa lấp điểm yếu cho một giống lúa thuần khác của Cty, sản lượng bán ra hiện lớn nhất nhì miền Bắc, nhưng khá mẫn cảm với bạc lá ở vụ mùa là BC15.

Không chịu thua chị, kém anh, công ty TNHH Cường Tân (Nam Định), DN kinh doanh giống tư nhân ngay bên cạnh tỉnh Thái Bình cũng quyết “đặc cách” đưa vào SX thử nghiệm giống lúa thuần kháng bạc lá nhân sự kiện kỷ niệm lớn 750 năm Thiên Trường-Nam Định.

Nhưng cả ba DN trên chưa thấm vào đâu so với công ty CP GCT miền Nam (SSC) khi đơn vị này tuyên bố đã SX, lai tạo thành công giống lúa lai “kháng bạc lá” và đặt tên luôn là Bác ưu 903 KBL (kháng bạc lá) trên nền tảng giống lúa Bác ưu có xuất xứ từ Trung Quốc trước đây nhiễm bạc lá rất nặng. Ngoài ra, còn vô vàn những Cty, trung tâm SX giống của các tỉnh cũng rầm rộ giới thiệu những giống có khả năng kháng bạc lá…

Công tác tại Sở NN-PTNT Nam Định hơn 20 năm qua, ông Đỗ Hải Điền, Trưởng phòng Trồng trọt của Sở cho biết, năm nào Nam Định cũng có hàng trăm giống lúa được các DN đưa về giới thiệu khảo nghiệm. Những năm gần đây, ông Điền thấy lạ là DN nào đến cũng quảng cáo giống của mình ngoài năng suất cao, chất lượng tốt còn kháng được cả bệnh bạc lá.

Ông Điền thừa nhận, hiện có một số giống lúa mới chống chịu bạc lá ở vụ mùa tốt hơn Bắc thơm 7, nhưng để kháng bạc lá ông thẳng thắn cho rằng chưa giống nào đạt. Bởi theo ông: “Nếu là giống kháng nhất thiết phải có gen kháng, đằng này các giống lúa hiện nay mới chỉ khảo nghiệm trên đồng ruộng qua một vài vụ mùa (thậm chí là vụ chiêm) mà khẳng định kháng được bạc lá là nói hơi quá. Thực tế tôi thấy các giống lúa được nói là “kháng bạc lá” hiện nay vẫn có tỉ lệ nhiễm bệnh nhất định, vấn đề ở các mức độ khác nhau mà thôi”.

Để làm rõ hơn, các giống lúa “kháng bạc lá” có đúng như lời các DN quảng cáo hay không, chúng tôi tìm gặp ông Hà Quang Dũng – Giám đốc Trung tâm KKN giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia (Cục Trồng trọt). Ông Dũng khẳng định, trong quá khứ cũng như hiện tại, trung tâm chưa khảo nghiệm và chứng nhận cho bất kỳ giống lúa kháng bạc lá nào. Bởi để được công nhận kháng bạc lá hay không phải test qua phòng lây nhiễm nhân tạo. Nhưng các giống đã được công nhận hiện nay đều mới chỉ tiến hành khảo nghiệm trên đồng ruộng nên chưa đủ căn cứ khoa học để khẳng định giống kháng được bạc lá.

Do vậy, ông Dũng đề nghị các DN kinh doanh giống cần khuyến cáo rõ giống của mình “kháng” ở mức nào để người dân hiểu rõ và có sự lựa chọn đúng.

 Đang có một cuộc chạy đua giống kháng bạc lá

LÃNG PHÍ THUỐC BVTV

Cũng như các Cty giống, nắm được tâm lý của nông dân và đặc thù của bệnh bạc lá, các DN SX-KD thuốc BVTV đã tung ra thị trường cả chục chủng loại thuốc BVTV phòng trừ bệnh bạc lá. Có thể kể đến như sản phẩm Sasa 20WP, 25WP của TCty TM Zhongyue Quý Châu, Trung Quốc; Sansai 200WP của Cty CP Quốc tế Hòa Bình; Bion 50WP của Syngenta Việt Nam; Anti-xo 200WP của Cty TNHH Hóa Nông Á Châu; Basu 250WP của Cty TNHH TM Tân Thành…

Khi nghe chúng tôi kể về việc người dân tiếc của mua thuốc BVTV về phun khi lúa bị bệnh bạc lá, ông Đỗ Danh Kiếm, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội không khỏi buồn rầu vì ông biết bệnh bạ́c lá, một khi đã biểu hiện ra bên ngoài, phun thuốc gần như vô tác dụng. Ông Kiếm cho biết, năm nào cũng có vài DN tới Chi cục BVTV Hà Nội liên hệ giới thiệu thuốc phòng trừ bệnh bạc lá, nhưng qua thí nghiệm trên đồng ruộng thấy hiệu quả rất thấp, thậm chí chưa nổi 50%.

Tuy nhiên, khi xem qua báo cáo diện tích lúa bị nhiễm bạc lá tại vụ mùa 2012 do Cục BVTV cung cấp, chúng tôi không khỏi giật mình khi thấy trong số hàng chục nghìn héc ta lúa bị nhiễm bệnh bạc lá, có đến một nửa diện tích đã được phun phòng trừ. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục tỷ đồng tiền thuốc BVTV phòng bệnh bạc lá đã trở thành công cốc. Chưa kể với khối lượng thuốc BVTV khổng lồ đã được sử dụng đó môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào?

Sự khôn khéo của các Cty kinh doanh thuốc BVTV là đều khuyến cáo nông dân nên phun phòng trừ bạc lá khi bệnh có nguy cơ hoặc chớm bị. Tuy nhiên, bệnh bạc lá nếu chớm bị với trình độ người nông dân rất khó phát hiện, mà một khi đã biểu hiện ra bên ngoài có thể nhìn thấy bằng mắt thường coi như bệnh đã bùng phát, phun thuốc không còn hiệu quả.

Chỉ khổ bà con “tiền mất tật mang” vì vừa mất mùa lại mất thêm cả tiền mua thuốc. Trong khi đó, thuốc chữa bạc lá giá thành rất đắt, bình quân một ha tính cả chi phí công phun phòng trừ mất từ 1,5 – 2 triệu đồng, như vậy nhân lên với con số hàng nghìn héc ta thì số tiền bỏ ra lớn đến ngần nào.

+ Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng khuyến cáo:

Đối với những vùng thường xuyên có dịch như các tỉnh ven biển không nên phun thuốc vì sẽ lãng phí, thay vào đó nên mạnh dạn thay đổi lại cơ cấu giống, không nên để một diện tích chiếm quá lớn như Bắc thơm 7 ở Nam Định.

Riêng những vùng nguy cơ không cao có thể sử dụng thuốc ở một diện tích nhất định kết hợp chăm bón cân đối, khoa học. Đặc biệt, khi lúa đã bị bạc lá cán bộ BVTV các địa phương cần cảnh báo người dân không nên phun mà tập trung vào chăm sóc để nâng cao khả năng miễn dịch. Áp dụng các biện pháp canh tác lúa cải tiến, cấy thưa, thông thoáng, bón ít đạm để hạn chế được vi khuẩn lây lan phát triển.

+ Một vị cán bộ ngành nông nghiệp tiết lộ, sở dĩ có cuộc chạy đua về giống lúa kháng bạc lá do mới đây cây lúa đã được các nhà khoa học giải mã gen. Hiện hầu hết các giống lúa thuần, lúa lai tại Việt Nam năng suất, chất lượng đã đạt gần đỉnh, tuy chỉ có tính kháng trừ sâu bệnh còn hạn chế. Chính vì vậy, việc Cty nào cho ra sản phẩm kháng được bạc lá hay các loại sâu bệnh khác ở thời điểm này gần như sẽ không có đối thủ.

Tuy nhiên, vị cán bộ này hy vọng những Cty giống cần có thêm quy trình khuyến cáo nông dân nên gieo cấy vào thời gian, mùa vụ nào và bón phân ra sao để giống lúa “kháng bạc lá” hiệu quả nhất chứ không nên đưa ra thông tin kiểu chung chung kiểu “lập lờ đánh lận con đen”.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email