Biến đổi khí hậu (BĐKH) với các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi thất thường, hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng, xâm nhập mặn,… đã ảnh hưởng đến tài nguyên đất của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện tượng sạt lở, xói mòn, rửa trôi do bão, mưa lớn gây ra ảnh hưởng đến diện tích đất rừng, đất canh tác nông, lâm nghiệp của người dân vùng đồi núi, ven biển. Hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm chất lượng của đất (hạn hán kéo dài dẫn đến hiện tượng hoang mạc hóa, xâm nhập mặn làm đất bị nhiễm mặn, chua hóa ảnh hưởng đến kết cấu và hệ vi sinh vật trong đất). Ngoài ra sạt lở bờ sông, bờ biển làm giảm diện tích đất ven biển, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân.
Một số tác động đối với tài nguyên đất tỉnh Thừa Thiên Huế như: sạt lở bờ sông do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn, nước sông lên xuống nhanh và đột ngột, mực nước giữa sông và khu vực nội đồng chênh lệch lớn đã gây sạt lở với tổng chiều dài 8,83 km, cụ thể: Sạt lở bờ sông Hương với tổng chiều dài 0,97 km, trong đó: Đoạn qua thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà với chiều dài 170 m bị sạt lở nặng mất đường giao thông nông thôn, ảnh hưởng trực tiếp đến trường tiểu học số 1 Hương Thọ; hư hỏng kè trên sông Đông Ba nhiều vị trí với tổng chiều dài khoảng 500 m; Đoạn qua tổ dân phố 3 phường Hương Hồ với chiều dài 300m. Sạt lở bờ sông Bồ với tổng chiều dài 2,25 km, trong đó: Đoạn qua phường Tứ Hạ, thị xã Hương trà bị sạt lở ăn sâu vào mép đường nhựa nội thị ở 2 vị trí với tổng chiều dài 200 m ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông; Đoạn sát tỉnh lộ 8A đoạn qua thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ bị sạt lở với chiều dài 50 m vào sát đường bê tông; Đoạn qua thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú, Quảng Thọ huyện Quảng Điền bị sạt lở với chiều dài khoảng 500 m; Đoạn qua thôn Phú Lương B, xã Quảng An dài 1km; Đoạn qua thôn Phú Lương A, xã Quảng Thành với chiều dài 500 m. Sạt lở sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương) tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 0,5 m, dài 100 m (đoạn chưa kịp gia cố thuộc Dự án kè chống sạt lở sông Bù Lu). Sạt lở Sông Ô Lâu với tổng chiều dài 5 km, trong đó: đoạn qua xã Phong Thu, Phong Hòa bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 2 km; xói chân ở đê Đông Tây Ô Lâu đoạn qua xã Điền Lộc, Phong Chương với tổng chiều dài 3 km. Sạt lở bờ Sông Lựu Bảo dài 30 m thuộc khu vực phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà với diện tích 150 m2 (rộng 5 m).
Do chịu ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc, áp thấp nhiệt đới, ảnh hưởng của bão số 7 trong năm 2019 gây biển động mạnh, sóng to kết hợp với triều cường kết hợp sóng cao từ 3 – 4 m đã làm bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế bị sạt lở nặng hơn 10 km, trong đó sạt lở mạnh nhất tập trung ở đoạn qua thôn Thái Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà với chiều dài khoảng 300 m, chiều rộng xâm thực từ 10 – 15 m ảnh hưởng đến 15 hộ dân và bãi tấm du lịch cộng đồng của địa phương, mất đất rừng phòng hộ. Sạt lở bờ biển đoạn qua thôn An Dương, xã Phú Thuân (phía Bắc của tuyến kè đã thi công) với chiều dài khoảng 1000m chiều rộng từ 7 – 10 m làm ảnh hưởng trực tiếp 12 hộ dân, có nguy cơ ảnh hưởng đến tuyến kè đã đầu tư, làm mất đất rừng phòng hộ ven biển, ảnh hưởng đến khu dân cư của thôn An Dương. Sạt lở tại bờ biển đoạn qua xã Vinh Hải, huyện Phú lộc (phía Nam của tuyến kè đang thi công) với chiều dài khoảng 700 m chiều rộng từ 5 – 7 m ảnh hưởng trực tiếp đến đường Tỉnh lộ 21, ảnh hưởng trạm bơm nước mặn của xã Vinh Hải, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, có nguy cơ mở cửa biển mới.
BÙI THẮNG