Tác giả: PGS.TS. Trần Đình Bình
Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế
Trong hệ thống y tế, từ y tế cơ sở là tuyến huyện đều có hệ thống phòng xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Các phòng xét nghiệm tuỳ theo quy mô, chức năng, nhiệm vụ mà thực hiện công tác, vì vậy đội ngũ nhân lực của phòng xét nghiệm cũng khá lớn trong các bệnh viện. Bộ y tế đã có Thông tư số: 37/2017/TT-BYT quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người.
Tại các Trường Đại học Y Dược bên cạnh giảng đường, nhà trường đã xây dựng một hệ thống các phòng thí nghiệm – thực hành, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, thực hành cho tất cả các Bộ môn đào tạo các ngành học khác nhau như phòng thí nghiệm – thực hành tại các Bộ môn Y học cơ sở và khoa học cơ bản như Lý sinh, Hóa học, Sinh học, Di truyền học, Giải phẫu, Giải phẫu bệnh, Sinh hóa, Sinh lý, Vi sinh, Ký sinh, Sinh lý bệnh, Miễn dịch, Dược, Dược lý, Phẫu thuật thực hành, Y tế công cộng… Trong phần lớn các trường y dược còn có thể có bệnh viện thực hành nên có các phòng xét nghiệm xen kẽ hoặc phối hợp chức năng thực hành và xét nghiệm…Điều này càng yêu cầu cao hơn về mức độ an toàn cho sinh viên, học viên, nhân viên và cộng đồng bởi vì rủi ro và nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm từ nguồn gốc của phòng xét nghiệm hay thực hành…Vì vậy chúng ta cần hiểu rõ nguy cơ sinh học, an toàn sinh học phòng xét nghiệm và mục tiêu giám sát nguy cơ sinh học, biết nguy cơ phơi nhiễm và lây nhiễm bệnh tật để đối phó với những hiểm nguy đang rình rập do nghề nghiệp của chúng ta.
- Khái niệm về phơi nhiễm và lây nhiễm các bệnh nghề nghiệp ở phòng xét nghiệm nói riêng và nhân viên y tế nói chung.
Phơi nhiễm nói ngắn gọn, dễ hiểu là tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh trong đời sống hoặc trong hoạt động nghề nghiệp. Nhân viên y tế phơi nhiễm rất cao với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như vi sinh vật gây bệnh, bức xạ, dụng cụ phương tiện y tế…
Phơi nhiễm có thể xảy ra do tiếp xúc trực tiếp qua không khí, qua đường hô hấp, qua giọt bắn, qua da, qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với bệnh phẩm hoặc qua tiếp xúc gián tiếp với dụng cụ, phương tiện bị nhiễm bẩn các dịch sinh học của người bệnh hoặc tiếp xúc với máu của người bệnh…
Lây nhiễm là mắc bệnh do tiếp xúc với yếu tố nguy cơ gây bệnh trong đời sống hoặc trong hoạt động nghề nghiệp. Trong hoạt động xét nghiệm nói riêng và công tác y tế nói chung, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bệnh phẩm, chất thải phòng thí nghiệm, từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất cao.
Người làm việc trong phòng xét nghiệm luôn phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm tác nhân gây bệnh. Trên thế giới, rất nhiều trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm liên quan đến việc không đảm bảo an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm đã được ghi nhận.
Tại Việt Nam, để từng bước đảm bảo an toàn sinh học phòng xét nghiệm, Bộ Y tế đã thành lập Ban Tư vấn an toàn sinh học bao gồm các thành viên từ Bộ Y tế và các Bộ liên quan (Quyết định Số 2912/QĐ-BYT ngày 4/8/2006). An toàn sinh học phòng xét nghiệm cũng đã được quy định tại Điều 24, 25 và 26 của Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm (số 3/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007). Các văn bản dưới luật cũng đang được xây dựng để đưa vào thực hiện. Tài liệu “Chuẩn quốc gia về trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” đã quy định các các tiêu chuẩn liên quan đến phòng xét nghiệm, trong đó có các tiêu chuẩn về an toàn sinh học phòng xét nghiệm. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm, trên cơ sở đó Bộ Y tế ban hành Thông tư số 41/2016/TT-BYT ngày 14 tháng 11 năm 2016 Quy định Danh mục vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm theo nhóm nguy cơ và cấp độ an toàn sinh học phù hợp kỹ thuật xét nghiệm; Bộ y tế đã có Thông tư số: 37/2017/TT-BYT quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người. Nội dung của bài này nhằm cung cấp một số thông tin cơ bản về an toàn sinh học để lập kế hoạch đáp ứng các yêu cầu an toàn sinh học phòng xét nghiệm, nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro hay nguy cơ phơi nhiễm, lấy nhiễm bệnh tật từ phòng xét nghiệm.
- Phân loại các vi sinh vật gây bệnh theo nhóm nguy cơ
Việc phân loại các vi sinh vật gây bệnh theo nhóm nguy cơ dựa vào các yếu tố sau:
– Khả năng gây bệnh của vi sinh vật; Phương thức lan truyền bệnh và yếu tố vật chủ… Những yếu tố này có thể bị ảnh hưởng bởi tính miễn dịch hiện có của cộng đồng trong vùng, mật độ và sự di chuyển của các quần thể vật chủ, sự hiện diện của các trung gian truyền bệnh thích hợp và tiêu chuẩn của vệ sinh môi trường.
– Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như tiêm vacxin (miễn dịch chủ động) hoặc sử dụng huyết thanh (miễn dịch thụ động), các biện pháp vệ sinh như vệ sinh nước uống và thức ăn, kiểm soát nguồn động vật hoặc côn trùng.
– Các biện pháp điều trị hiệu quả như miễn dịch thụ động, miễn dịch chủ động sau khi phơi nhiễm và sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virus hay thuốc kháng nấm…, cần quan tâm đến khả năng xuất hiện các chủng vi sinh vật kháng thuốc.
Dựa theo các đặc điểm trên, các loại vi sinh vật gây bệnh được chia thành 4 nhóm nguy cơ:
Nhóm nguy cơ 1 (không có hoặc nguy cơ lây nhiễm cá thể và cộng đồng thấp): Các vi sinh vật thường không có khả năng gây bệnh cho người hoặc động vật. Ví dụ: Bacillus subtilis, Naegleria gruberi…
Nhóm nguy cơ 2 (có nguy cơ lây nhiễm cho cá thể nhưng ít có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng): Tác nhân gây bệnh có khả năng gây bệnh cho người hoặc động vật, nhưng không trở thành mối nguy hiểm lớn đối với cán bộ xét ngh
iệm (CBXN), cộng đồng, vật nuôi hay môi trường. Có phương pháp dự phòng và điều trị hiệu quả. Khả năng lây truyền trong cộng đồng thấp. Ví dụ: Salmonella, Shigella, Candidas, virus HPV…
Nhóm nguy cơ 3 (nguy cơ lây nhiễm cho cá thể cao, nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng thấp): TNGB thường gây bệnh nặng cho người và động vật, tuy nhiên trong điều kiện bình thường thì không lây nhiễm từ cá thể này sang cá thể khác. Có thể có biện pháp điều trị và phòng chống hiệu quả. Ví dụ: Vi khuẩn than, tả, dịch hạch, lao, virus cúm A/H5N1, …
Nhóm nguy cơ 4 (nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng cao): TNGB thường gây bệnh nặng cho người và động vật, đồng thời dễ lây truyền từ cá thể này sang cá thể khác một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chưa có các biện pháp điều trị và phòng chống hiệu quả. Ví dụ: Virus Ebola, virus Marburg, virus Congo-Crimean hemorrhagic, virus SARS-CoV-2…
Vấn đề cốt lõi của thực hành an toàn sinh học là việc đánh giá nguy cơ của vi sinh vật. Người tiến hành đánh giá nguy cơ cần có hiểu biết đầy đủ về những đặc điểm riêng của loại vi sinh vật được xét nghiệm, thiết bị, thường quyđược sử dụng, các thiết bị lưu giữ cũng như cơ sở vật chất sẵn có. Người phụ trách phòng xét nghiệm hoặc người phụ trách an toàn sinh học có trách nhiệm đảm bảo việc đánh giá mức độ nguy hiểm một cách đầy đủ và kịp thời để đảm bảo những thiết bị và phương tiện phù hợp phục vụ công tác xét nghiệm. Việc đánh giá nguy cơ cần được tiến hành định kỳ và bổ sung khi cần thiết để có thể xác định được cấp độ an toàn sinh học phù hợp, lựa chọn trang thiết bị cần thiết, sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân đúng, xây dựng thường quy chuẩn kết hợp với những biện pháp an toàn khác nhằm bảo đảm độ an toàn cao nhất trong công việc.
- Nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm và các phương thức lây nhiễm
Những nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm với các tác nhân vi sinh vật trong các phòng xét nghiệm lâm sàng, phòng xét nghiệm nghiên cứu đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: (1) Số ca mắc thật sự do lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm, (2) Tác nhân vi sinh vật nào thường hay đi kèm với lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm, (3) Tại sao lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm xảy ra, (4) Biện pháp an toàn nào là hữu hiệu, (5) Làm sao ngăn ngừa được lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm.
Các biện pháp kiểm soát trong phòng xét nghiệm được xây dựng để bảo vệ nhân viên tránh được sự phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh và các chất thải được xử lý an toàn để bảo vệ cộng đồng. Sự xây dựng chương trình an toàn để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm phải chỉ ra được phương pháp nuôi cấy vi sinh vật, sự lưu giữ, xử lý và sự thải bỏ chất lây nhiễm, các phương tiện được sử dụng để giáo dục và giám sát sức khoẻ nhân viên phòng xét nghiệm. Đồng thời phải hiểu được tính sinh bệnh học của tác nhân gây bệnh, tính nhạy cảm của ký chủ, và quan trọng nhất là phương thức lan truyền của tác nhân lây nhiễm.
Các nhân viên làm việc trong phòng xét nghiệm vi sinh có nguy cơ phơi nhiễm với tác nhân vi sinh vật rất lớn, các yếu tố đi kèm với lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm bao gồm phương thức lây nhiễm, sự phát triển của tác nhân gây bệnh bên trong cơ thể ký chủ, con đường và nguồn gốc của sự lây nhiễm, và môi trường phòng xét nghiệm (ví dụ hệ thống thông gió, trang thiết bị, quy trình). Trước đây, một số cuộc điều tra đã cho thấy rằng một số vi sinh vật (ví dụ Mycobacterium tuberculosis) gây ra nhiễm trùng mắc phải trong phòng xét nghiệm thường nhiều hơn các tác nhân khác (ví dụ Escherichia coli) và một số quy trình, thiết bị hoặc công việc liên quan không phù hợp sẽ dẫn đến số trường hợp bị nhiễm trùng mắc phải trong phòng xét nghiệm cao hơn. Vì vậy, các biện pháp đã được xây dựng để ngăn ngừa nguy cơ do các vi sinh vật và công việc gây ra lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm.
Các công việc của phòng xét nghiệm như thu thập mẫu bệnh phẩm, nuôi cấy vi sinh vật thường gây nhiễm các dụng cụ, bề mặt bàn làm việc, thiết bị và tạo ra aerosol. Các sự cố xảy ra khi thực hiện các công việc này là một trong những nguyên nhân hàng đầu của lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm. Gần như tất cả các loại vi sinh vật có thể xâm nhập vào da và tạo ra nhiễm trùng do bị kim tiêm đâm, dao cắt hoặc dụng cụ thủy tinh vỡ. Da lành lặn là rào cản tốt đối với các vi sinh vật gây bệnh, nhưng khi da bị thương tổn thì là con đường tốt để các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Nhiều thao tác, kỹ thuật trong phòng xét nghiệm có thể tạo ra khí dung. Phụ thuộc vào kích thước, các hạt sẽ lắng vào không khí nhanh chóng (hạt có đường kính > 0,1 mm) hoặc bốc hơi trong 0,4 giây (hạt có đường kính < 0,05 mm). Các vi sinh vật trong các giọt nhỏ (nucleic) vẫn lơ lửng trong không khí, di chuyển trong phòng xét nghiệm và trong toà nhà theo dòng không khí. Khí dung có thể di chuyển ra khỏi phòng trong vòng 30 – 60 phút với hệ thống thông gió có tốc độ trao đổi khí 6 – 12 lần/giờ. Các trường hợp lây nhiễm phòng xét nghiệm do sự tạo thành khí dung thường liên quan đến các tác nhân như Brucella spp., Coxiella burnetii (sốt Q), Chlamydia psittaci, và Mycobacterium tuberculosis. Do đó, hầu hết các vi sinh vật này phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm an toàn cấp độ III hoặc cấp độ IV để ngăn ngừa sự lan truyền tiềm ẩn qua đường hô hấp do sự tạo thành các hạt khí dung.
- An toàn sinh học trong phòng xét nghiệm vi sinh
Các tác nhân vi sinh vật đi kèm với lây nhiễm liên quan đến phòng xét nghiệm có thể lây truyền qua nhiều phương thức khác nhau (đặc biệt là khí dung). Hiện tại có rất nhiều hướng dẫn và quy định về an toàn sinh học đã được ban hành nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp với các tác nhân nguy hiểm và tạo môi trường làm việc an toàn.
Một chương trình hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm nghề nghiệp và bảo vệ môi trường xung quanh phải dựa trên cơ sở “khái niệm về rào cản vi sinh vật”, mà bao gồm các yếu tố như cơ sở vật chất (ví dụ như thiết kế các phương tiện và trang thiết bị an toàn), thực hành vi sinh tốt và kiểm soát hành chính. Các vi sinh vật được phân loại theo nhóm nguy cơ và quy trì
nh kỹ thuật xét nghiệm được thực hiện tương ứng trong phòng xét nghiệm an toàn sinh cấp độ 1 đến cấp độ 4. Sự gia tăng cấp độ an toàn sinh học ngụ ý về sự gia tăng nguy cơ nghề nghiệp do phơi nhiễm với tác nhân vi sinh vật hoặc do quy trình kỹ thuật. Rào cản đầu tiên cung cấp các yếu tố bảo vệ nhân viên phòng xét nghiệm bao gồm việc tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật và thực hành vi sinh, sử dụng các trang thiết bị an toàn như tủ an toàn sinh học, máy ly tâm an toàn, trang bị bảo hộ cá nhân (găng tay, khẩu trang, áo bảo hộ…). Rào cản thứ hai đề cập đến sự thiết kế các phương tiện để bảo vệ các nhân viên đang làm việc trong phòng xét nghiệm và bảo vệ môi trường bên ngoài.
Mỗi phương tiện nên có quy trình hướng dẫn an toàn và phải được các nhân viên phòng xét nghiệm hiểu một cách rõ ràng. Các nhà quản lý phải cung cấp môi trường làm việc an toàn và thúc đẩy sự nhận thức an toàn cho các nhân viên phòng xét nghiệm thông qua các chương trình đào tạo gắn liền với xây dựng quy trình an toàn.
- Quản lý sự cố trong phòng xét nghiệm
Cách tiếp cận tốt nhất để quản lý các sự cố và phơi nhiễm trong phòng xét nghiệm là xây dựng một kế hoạch an toàn có nhận diện các nguy hiểm sinh học tiềm ẩn (bằng cách đánh giá nguy cơ) và giảm thiểu hoặc kiểm soát các sự cố hoặc sự phơi nhiễm.
Tất cả các sự cố hoặc nguy cơ phơi nhiễm được báo cáo ngay đến người có trách nhiệm. Theo dõi các tai nạn bao gồm việc chăm sóc y tế, điều tra nguyên nhân (xác nhận nguồn gốc và yếu tố nguy cơ), tư vấn y khoa để trả lời về nguy cơ nhiễm trùng, liệu pháp điều trị cần thực hiện, sự lan truyền tiềm ẩn cho những người trong gia đình, giám sát và điều trị trong thời gian tới, các hành động khắc phục để ngăn ngừa các sự cố hoặc phơi nhiễm có thể xảy ra trong thời gian tới.
Quản lý sự cố và phơi nhiễm nên được ghi rõ ràng trong hồ sơ sức khoẻ của nhân viên và nên bao gồm dự đoán trước các phơi nhiễm xảy ra bằng cách dựa vào tỉ lệ mắc bệnh truyền nhiễm trong quần thể bệnh nhân đang được điều trị và loại vi sinh vật đang được nghiên cứu.
Nhiều sự cố rủi ro có thể xảy ra ở phòng xét nghiệm gây nguy cơ phơi nhiễm, lây nhiễm cho nhân viên y tế và cộng đồng. Chiến lược hữu hiệu nhất là dự phòng hiệu quả, giảm tối đa nguy cơ rủi ro và xử lý an toàn nếu có xảy ra bằng các biện pháp đã được nêu ra theo các quy định của ngành y tế. Đó là: Vệ sinh tay theo quy định; Mang phương tiện PPE khi cần thiết; Thận trọng và chính xác trong các quy trình; Thu gom, quản lý, xử lý chất thải đúng quy định./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Y tế (2006). Quyết định số 2912/QĐ-BYT ngày 4 tháng 8 năm 2006 về việc thành lập Ban Tư vấn an toàn sinh học.
- Bộ Y tế (2007). Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.27.
- Bộ Y tế (2016). Thông tư số 41/2016/TT-BYT ngày14 tháng11 năm 2016 Quy định Danh mục vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm theo nhóm nguy cơ và cấp độ an toàn sinh học phù hợp kỹ thuật xét nghiệm.
- Bộ y tế (2017). Thông tư số: 37/2017/TT-BYT quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm
- Chính phủ (2016). Nghị định số 103/2016/NĐ-CPngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm.
- David L. Sewell. Laboratory-Associated infection and Biosafety. Clinical microbiology review. Volume 8, Number 3. Page 389-405.
- Mackel, D. C., and J. E. Forney. 1986. Overview of the epidemiology of laboratory-acquired infections, p. 37–42.
- Miller B. M., Groschel D. H. M., Richardson J. H., Vesley D., Songer J. R., Housewright R. D., and Barkley W. E. (ed.). Laboratory safety: principles and practices. American Society for Microbiology, Washington, D.C.
- Miller J. M., Binnicker M. J., Campbell S., et al. (2018), A Guide to Utilization of the Microbiology Laboratory for Diagnosis of Infectious Diseases: 2018 Update by the Infectious Diseases Society of America and the American Society for Microbiology, Clin Infect Dis, 67 (6), pp. e1-e94
- Santos Gomes S. C., de Jesus Mendes Caldas A. (2019), Incidence of work accidents involving exposure to biological materials among healthcare workers in Brazil, 2010-2016, Rev Bras Med Trab, 17 (2), pp. 188-200.
- Schröder I., Huang D., Ellis O., et al. (2016), Laboratory safety attitudes and practices: A comparison of academic, government, and industry researchers, Journal of Chemical Health and Safety, 23, pp. 12-23
Hình ảnh: nguồn internet