35 năm phục hưng di sản văn hóa cố đô Huế

So với các cố đô khác của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống Thành quách, Cung điện, Miếu đường, Đình tạ, Lăng tẩm, Chùa quán, Phố thị .vv.. Cố đô Huế là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, là điển hình của loại hình kiến trúc cảnh vật hoá – một loại hình kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc và giàu tính nhân văn. Đặc điểm này đặt ra một yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.

 

Sau chiến tranh, Quần thể di tích cố đô bị tàn phá nghiêm trọng và chỉ còn 400 công trình trong tình trạng đổ nát, hư hỏng (so với 1400 công trình lúc còn nguyên vẹn). Các di sản phi vật thể cũng bị hủy hoại, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình như Nhã nhạc, tuồng cung đình, múa cung đình… tản mát và biến tướng trong dân gian; hệ thống ngành nghề thủ công truyền thống phong phú vốn phục vụ chính cho chốn cung đình bị thất truyền, mai một; hệ thống sách vở, tư liệu đồ sộ của triều Nguyễn cũng bị hủy hoại hoặc bị di chuyển phần lớn đi nơi khác.

Đúng 35 năm trước, vào ngày 10.6.1982, Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế được thành lập. Ngày 30 tháng 5 năm 1992, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ra quyết định số 443/QĐ-UBND đổi tên Công ty thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa cung đình gắn liền với vương triều Nguyễn, bao gồm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả to lớn. Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Năm 2003, Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước được hồi sinh, diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử dần dần được hồi phục. Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn di tích Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Năm 2016, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Công cuộc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.

Những kết quả quan trọng ấy được thể hiện trên các mặt: Bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Bảo tồn trùng tu di tích là một trong những hoạt động cơ bản nhất của công tác bảo tồn di sản Huế trong những năm qua, cũng là lĩnh vực được đầu tư lớn nhất về kinh phí và chất xám. Trong 35 năm qua, đã có hàng trăm công trình di tích được trùng tu hay bảo quản. Điều quan trọng là, các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã công nhận và tham gia, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cũng chính qua thực tiễn của công cuộc bảo tồn tôn tạo di tích Huế mà đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên của Trung tâm đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu và phong phú, đặc biệt đã nắm vững cả 2 mặt cốt yếu của phương pháp trùng tu khoa học: Đó là phương pháp luận khoa học  kỹ năng thực hiện, vì vậy các hoạt động trùng tu đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Việc bảo tồn, khôi phục các di sản văn hóa phi vật thể cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tính từ năm 1982 đến nay, Trung tâm đã triển khai hàng chục công trình nghiên cứu khoa học về Di sản văn hóa Huế (vật thể và phi vật thể), tổ chức biên soạn và xuất bản nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, trong đó có những công trình đạt giải thưởng cao của trung ương và địa phương. Nghiên cứu phục hồi, tái hiện một số lễ hội cung đình quan trọng của triều Nguyễn, những lễ hội mang màu sắc văn hóa cung đình. Đặc biệt là trong các dịp Festival Huế, các loại hình nghệ thuật cung đình và truyền thống, bao gồm cả lễ hội, nghi thức truyền thống, âm nhạc, nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật ẩm thực, trò chơi… đã thực sự đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của Thừa Thiên Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế để bảo tồn và quảng bá các di sản cũng đạt được những thành tựu quan trọng, thông qua bảo tồn di sản, cố đô Huế đã hợp tác với gần 30 tổ chức quốc tế, hàng chục các viện, trường đại học, tổ chức trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.

Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế là giải pháp tốt nhất để bảo tồn di tích, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để bảo tồn di tích.

Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ phí tham quan trong 20 năm (từ năm 1996 đến 2016) đã đạt hơn 1.536 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 100 tỷ đồng, và hiện nay tốc độ doanh thu đang tăng nhanh, ổn định. Chính nguồn thu phí này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản và cải thiện đời sống của những người làm công tác bảo tồn.

Xác định rõ di sản văn hóa là thế mạnh, việc bảo tồn di sản văn hóa cố đô Huế phải làm nền tảng cho kinh tế du lịch dịch vụ phát triển, Trung tâm đã luôn luôn chú ý đến sự nối kết cùng ngành du lịch, tạo điều kiện để các hoạt động dịch vụ liên quan có cơ hội để phát triển; chủ động tham gia các diễn đàn quảng bá du lịch, ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành đưa khách đến cố đô Huế, liên kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Khách sạn của tỉnh, chủ động tổ chức các hoạt động kích cầu để thu hút du khách.

Bước vào giai đoạn mới, Trung tâm đang nỗ lực thực hiện đề án đổi mới mô hình đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả và nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy. Trong giai đoạn trước mắt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch đầu tư công Trung hạn (2016-2010) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 27 dự án trùng tu di tích, huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa cho công tác trùng tu bảo tồn; thực hiện thành công “Đề án nâng cao chất lượng phục vụ trong địa bàn khu di sản Huế” và “Đề án xã hội hóa hoàn toàn các hoạt động dịch vụ”; bên cạnh đó đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và cảnh quan môi trường gắn liền với khu di sản./.

TS. Phan Thanh Hải

 

 

 

Facebook
Twitter
LinkedIn
Email